Thực trạng và giải pháp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Trà Vinh
Thực trạng và giải pháp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Trà Vinh 

Tuyên truyền pháp luật trên địa bàn phường 9

         Thành phố Trà Vinh là trung tâm của tỉnh có diện tích tự nhiên 6.803,5 ha chiếm gần 3% diện tích của tỉnh, với 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 09 phường và xã Long Đức. Nằm ở phía Nam sông Tiền, phía Bắc giáp sông Cổ Chiên của tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp huyện Càng Long, phía Nam và Đông giáp huyện Châu Thành với nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, các Sở, Ban, ngành tỉnh và thành phố đóng trên địa bàn. Là nơi giao lưu kinh tế giữa các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận; với nhiều doanh nghiệp, công ty, kể cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty 100% vốn nước ngoài; thành phần kinh tế chủ yếu là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ và mua bán nhỏ.

         Hiện nay, kinh tế của thành phố Trà Vinh đang trên đà phát triển, nhiều dự án, công trình đã và đang triển khai thực hiện, cơ sở hạ tầng từng bước đi vào hoàn thiện, bộ mặt thành phố ngày càng thay đổi, đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên; tình hình an ninh chính trị được giữ vững ổn định, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa phương hoàn thành tốt…Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thì tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi còn xảy ra, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, cờ bạc trá hình thông qua trò chơi điện tử game bắn cá, mua bán ma túy, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động băng nhóm, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi…còn diễn biến phức tạp. Do đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Trà Vinh là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật từ đó xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

    Trong những năm vừa qua công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng được củng cố, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Phổ biến giáo dục pháp luật là bước đầu tiên trong việc đưa các chính sách pháp luật đến với người dân nên đặc biệt được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hầu hết các chính sách, văn bản pháp luật đều được phổ biến, tuyên truyền đến người dân. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

         Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được quan tâm trang bị. Các hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng đảm bảo mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn đều được tiếp cận với các chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Thông qua công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn thành phố, kéo giảm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.

         Tuy nhiên ngoài những kết quả đạt được nêu trên, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn còn một số hạn chế, thiếu sót: Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phát huy hết vai trò, một số ban ngành, đoàn thể có triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhưng chưa thường xuyên; Hình thức tuyên truyền được áp dụng chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng chưa thật sự thu hút được nhiều tầng lớp người dân đặc biệt là giới trẻ.

         Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót nêu trên là do: nhận thức về vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật sự đúng vẫn còn xem công tác này là trách nhiệm của cơ quan tư pháp; Đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật đa số là hoạt động kiêm nhiệm nên chưa đầu tư nhiều cho việc xây dựng tài liệu tuyên truyền cũng như lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng và nhóm đối tượng; Cơ sở vật chất đầu tư, trang bị cho công tác tuyên truyền tuy được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu sót; Công tác sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được chú trọng, quan tâm nhiều. Ngoài ra ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức và cá nhân chưa cao đặc biệt trong các lĩnh vực như: giao thông đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, xây dựng không phép…

         Nhằm giúp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt được hiệu quả cao, phát huy đúng với vai trò là cầu nói để đưa pháp luật vào đời sống trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

         Một là: Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xem đây là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác xét xử của Tòa án, Thi hành án…

         Hai là: Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cũng như công nhận các tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở có đủ trình độ, hiểu biết về pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong hoạt động hòa giải.

         Ba là: nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

         Bốn là: Biểu dương, nhân rộng các mô hình hay có hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giúp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật có cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau.

         Có thể thấy rằng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, là khâu đầu tiên trong việc đưa các chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước đến với người dân. Để thực hiện tốt công tác này ngoài những giải pháp nêu trên các cấp, ngành cần phải nêu cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn cũng như cơ quan, đơn vị theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức và Nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, kéo giảm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương./.

Tin, ảnh: Nguyễn Nhựt Thanh – Chuyên viên Phòng Tư pháp thành phố Trà Vinh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 78
  • Trong tuần: 1 240
  • Tất cả: 3832646

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TRÀ VINH
- Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Nhi.
- Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh.
- Địa chỉ: Số 09 đường Lê Thánh Tôn, Phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.221.0390
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử thành phố Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang