THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.Trước lúc đi xa đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản vô cùng quý giá – Di chúc của Người.

Ngày 10 tháng 5 năm 1965, nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 75, dưới mái nhà sàn, Người đã bắt đầu viết di chúc lịch sử. Sau đó, hàng năm từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5, Người lại đem bản di chúc mình viết ra xem và sửa chữa. Đây là tác phẩm mà Bác đã dành nhiều thời gian, công sức, cân nhắc từng ý, từng lời. Sau nhiều lần bổ sung và sửa chữa, Bác đã gửi gấm toàn bộ những tâm tư, tình cảm của mình – một người con ưu tú của đất nước Việt Nam đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.

Trong Di chúc của Bác, cái làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc, đó chính là quan điểm về lòng yêu thương con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công vun đắp.

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, năm 1911, Người đã ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng. Sống bôn ba 30 năm ở nước ngoài, làm nhiều nghề khác nhau để lấy tiền nuôi sống mình và lấy phương tiện hoạt động cách mạng. Người đã trải qua biết bao vất vả, gian nan cũng là vì dân, vì nước. Cho tới khi Người bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin – đây chính là con đường giải phóng dân tộc, cứu đồng bào khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc. Người đã sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng thực dân, đế quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc và nhân loại. Suốt đời mình, Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội, từ những người và gia đình có công với cách mạng, đến nông dân, phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cụ già, trẻ em và cả những nạn nhân của xã hội cũ…

Trong Di chúc, Người đã căn dặn phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ Quốc mà hy sinh: Theo người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm. Người chỉ rõ: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh…

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha, mẹ, vợ, con (của thương binh và liệt sĩ), mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để cho họ bị đói rét.

Người cũng không quên vai trò của người phụ nữ trong chiến đấu và sản xuất, do vậy Người luôn căn dặn Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ họ. Còn riêng bản thân người phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên.

Thấm nhuần đạo lý truyền thống của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, sau nhiều năm liên tục đã ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Người không chỉ quan tâm đến đời sống nhân dân, mà trên hết là chăm lo giáo dục, đào tạo họ, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người yêu cầu chúng ta sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Triết lý nhân sinh của Người là sự gắn kết giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam kết hợp với truyền thống nhân ái của nhân loại. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là lòng thương yêu, quý trọng con người gắn với lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc là chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu thương con người là tư tưởng mang đậm những giá trị đạo đức cao cả. Mỗi cán bộ, đảng viên và tất cả những người dân Việt Nam cần phải học tập, thấm nhuần, để từ đó giúp mình suy nghĩ và hành động đúng, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp trong thời gian tới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, ngoài việc học tập, tìm hiểu quan điểm, tư tưởng của Người, điều quan trọng đặt ra ở đây là phải thực hiện theo những gì mà Người mong mỏi, gửi gấm. Thực hiện Di chúc của Bác về lòng yêu thương con người là thực hiện những hành vi cao cả, quý giá, chẳng những đem lại hạnh phúc cho mọi người mà còn cho cả chính bản thân mình. Để thực hiện tốt Di chúc của Bác về lòng yêu thương con người trong giai đoạn hiện nay, theo tôi mọi người cần phải làm tốt những yêu cầu cơ bản sau:

Trước tiên, là phải biết yêu thương chính mình, biết lo cho chính bản thân mình, từ đó phấn đấu rèn luyện về mọi mặt trong khả năng tự có để làm hoàn thiện mình, vượt lên chính mình dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào như Bác Hồ của chúng ta đã từng vượt qua. Chúng ta thấy rằng, không ai có thể  lo cho người khác, giúp người khác được tốt trong khi bản thân mình chưa hoàn thiện, bản thân chưa hoàn thiện thì khó có điều kiện để giúp người khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời lo cho dân cho nước, nhưng để làm được điều đó Bác đã biết vượt lên chính mình, trải qua biết bao gian khổ, rèn luyện, tìm tòi học hỏi để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Sau khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù công việc bộn bề nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian để rèn luyện sức khỏe bằng cách thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Bác cho rằng tập thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa. Nhận thức được điều đó, bất cứ cá nhân nào, từ người cán bộ, đảng viên đến mỗi người dân muốn thực hiện tốt Di chúc của Bác về lòng yêu thương con người thì trước tiên phải tự mình rèn luyện cả về thể lực và trí lực, cả về năng lực và phẩm chất đạo đức.

Đối với cán bộ, đảng viên, để thực hiện tốt vai trò phục vụ nhân dân, thì trước tiên phải tự rèn luyện, học tập nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng. Bác Hồ đã từng quan niệm: Người có tài mà không có đức là người vô dụng, ngược lại người có đức mà không tài thì làm việc gì cũng khó. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết rèn đức luyện tài để phục vụ tốt nhân dân.

Đối với mỗi cá nhân, phải làm tròn trách nhiệm của một công dân trước Tổ quốc, biết tự rèn luyện để phát triển về mọi mặt, từ đó sẽ làm vui lòng người thân, góp phần xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong xã hội.

Đối với mỗi gia đình, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình tinh thần lá lành đùm lá rách. Gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt.

Tuy nhiên, không phải lo cho mình là chỉ biết đến lợi ích của chính mình mà không quan tâm đến lợi ích những người xung quanh, lợi ích chung của xã hội, không phải vì bản thân mình mà hại người khác, chà đạp lên người khác, làm ảnh hưởng đến lợi ích người khác, xem lợi ích của riêng mình là trên hết, điều đó là chủ nghĩa cá nhân, hoàn toàn trái ngược với tính nhân văn, nhân đạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, phải biết yêu thương, giúp đỡ những người thân thích nhất của mình, có thể kể đến đó chính là ông, bà, cha, mẹ, anh chị em, đồng chí, đồng đội, bạn bè…Tình yêu thương con người mà Bác Hồ đề cập đến trong Di chúc là yêu thương tất cả mọi người. Nhưng để làm được điều đó thì trước tiên phải biết yêu thương, giúp đỡ những người thân thích nhất, có mối quan hệ gần nhất. Để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người thì trước tiên phải biết yêu thương những người có mối quan hệ gần gủi nhất Nếu tất cả mọi người đều có những suy nghĩ và hành động đúng đối với người thân của mình thì đó thật sự là một điều đáng quý, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, xã hội có tình người.

Mọi hành động phải luôn nghĩ tới người thân yêu của mình, đừng làm gì cho người thân buồn, khổ vì mình, được như thế cũng là biết yêu thương họ rồi.

Thứ ba, phải có tình yêu thương sâu sắc tất cả mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh và sẵn sàng giúp đỡ họ nếu có điều kiện. Phải biết lo cho lợi ích chung của đất nước, của dân tộc và của nhân loại, đặt lợi ích chung lên trên hết, sẵn sàn hy sinh lợi ích riêng để phục vụ cho lợi ích chung. Ngoài ra, còn phải biết đấu tranh để chống lại mọi hành vi vô nhân đạo, vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của con người.

Thứ tư, tình yêu thương con người mà chúng ta thực hiện theo Di chúc của Bác không phải là hô hào, hình thức, hay chỉ động lòng trước những khó khăn, bất hạnh của người khác, mà phải thể hiện bằng những hành động thiết thực trong khả năng hiện có của mình; đặc biệt là đối với người cán bộ, đảng viên phải hết lòng phục vụ nhân dân, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Thứ năm, để thực hiện tốt Di chúc của Bác về lòng yêu thương con người, thì mỗi người phải biết tự rèn luyện tu dưỡng đạo đức, nhận thức sâu sắc về điều đó trong mọi điều kiện, hoàn cảnh để từ đó có những hành động đúng. Đồng thời còn phải biết giáo dục người khác sống phải biết yêu thương lẫn nhau và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, đừng có những hành động tranh giành quyền lợi mà giết hại lẫn nhau.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, chúng ta lại một lần nữa đọc lại bản Di chúc của Người. Bao trùm lên tất cả, Di chúc là một tấm lòng yêu nước thương dân, yêu thương con người vô bờ bến của Người. Giá như, mỗi người chúng ta đều suy nghĩ để có được tình yêu thương như thế, nghĩ rằng xã hội sẽ tốt đẹp biết mấy. Mỗi lần đọc Di chúc, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc hơn ý nguyện của Bác : “Toàn Đảng. toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chúng ta càng thêm kính yêu Người, nguyện cố gắng sống, học tập và làm việc theo tấm gương của Người.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn bốn câu thơ trong bài thơ Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu để ca ngợi về Bác:

Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình, cho hết thảy

Như dòng sông chảy, nặng phù sa.

 

                                                              Ths. Đoàn Thị Kiều Tiên

                                                Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

                              Trường Chính trị  tỉnh Trà Vinh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
1 2 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 69
  • Trong tuần: 1 082
  • Tất cả: 3832734

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TRÀ VINH
- Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Nhi.
- Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh.
- Địa chỉ: Số 09 đường Lê Thánh Tôn, Phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.221.0390
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử thành phố Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang