Nghiên cứu về hành động để thay đổi khí hậu và đảm bảo nguồn cung cấp lương thực toàn cầu
Lượt xem: 2115
Nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Curtin bao gồm  Giáo sư Colin W. Binns và các cộng sự đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu sẽ có tác động đáng kể đến sản xuất lương thực và sức khỏe toàn cầu nếu người tiêu dùng, ngành công nghiệp thực phẩm, chính phủ các nước và các cơ quan quốc tế không có hành động hay giải pháp khả thi.

Ảnh chụp minh họa

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Binns cho biết: biến đổi khí hậu đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sản xuất lương thực trong 50 năm qua và cần phải hành động nhiều hơn nữa để khắc phục những tác hại của chúng. Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và chất lượng dinh dưỡng là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng của thập kỷ này. Chúng ta vẫn đang đối mặt với mối đe dọa liên tục của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, cụ thể là các vùng có nguy cơ cao nhất là vùng lân cận Sahara (Châu Phi) và một phần châu Á.

Hiện tại, chúng ta có thể sản xuất lương thực để duy trì lượng tiêu thụ đầy đủ, sử dụng các phương pháp canh tác và công nghệ cải tiến hơn, nhưng ước tính rằng vào năm 2050, sản lượng lương thực thế giới sẽ cần phải tăng 50% để vượt qua sự thiếu hụt hiện nay và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Nghiên cứu của các nhà khoa học khuyến nghị rằng bằng cách tuân theo các hướng dẫn chế độ ăn uống cần thiết và chọn thực phẩm ít tác động đến môi trường, chẳng hạn như cá, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, các loại đậu, và dầu ô liu…, sẽ cải thiện sức khỏe, giúp giảm khí nhà kính và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, do đó sẽ cải thiện mức sản xuất lương thực trong tương lai.

Giáo sư Binns cho biết thêm: trong khi biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cấp lương thực, giải pháp chính trị và đầu tư có thể giúp giảm thiểu tác động và cung cấp các loại thực phẩm cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, một số thay đổi sẽ cần được thực hiện đối với sản xuất thực phẩm, hàm lượng chất dinh dưỡng cần được giám sát và phân phối để đáp ứng các hướng dẫn chế độ ăn uống. Điều quan trọng là duy trì tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ để cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh và người lớn, đồng thời giúp để giảm khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu đang tiến hành sẽ rất quan trọng trong đánh giá các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp lương thực và sức khỏe để chuẩn bị đầy đủ cho tương lai.

Nghiên cứu này được xuất bản và đánh giá xếp hạng cao nhất trên tạp chí “The Annual Review of Public Health” về biến đổi khí hậu, dinh dưỡng và sức khỏe trên thế giới.

Nguồn tham khảo: Colin W. Binns, Mi Kyung Lee, Bruce Maycock, Liv Elin Torheim, Keiko Nanishi, Doan Thi Thuy Duong. Climate Change, Food Supply, and Dietary Guidelines. Annual Review of Public Health, 2021; 42 (1): 233 DOI: 10.1146/annurev-publhealth-012420-105044.

Minh Phương

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 1824
  • Trong tuần: 18 426
  • Tất cả: 4386999