Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế của cư dân vùng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Lượt xem: 2554
Nghiên cứu do 2 tác giả Nguyễn Tiến Dũng và Phan Thuận - Học viện Chính trị khu vực IV thực hiện. Mục đích của bài viết là nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của cư dân vùng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo đánh giá về hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và khảo sát tại 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang cho thấy tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL có nhiều nguyên nhân như El Niño, quản lý nguồn nước, … Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong năm 2016. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hạn mặn bắt đầu từ tháng 12, đạt đến đỉnh điểm là tháng 3,4 và sau đó giảm xuống. Trong khi đó, người dân và chính quyền địa phương chưa có nhiều ứng phó với hạn mặn trước đó. Hạn mặn này đã tác động rất lớn đến sinh kế của người dân, đặc biệt là trong sinh kế nông nghiệp. Bởi lẽ, hoạt động sinh kế của người dân vùng hạn mặn ven biển ở ĐBSCL rất đa dạng, song nông nghiệp vẫn là hoạt động chính.

Sinh kế bao gồm cả năng lực, tài sản (bao gồm cả nguồn lực về vật chất và xã hội) và các hoạt động thiết yếu đối với tiềm lực của cuộc sống. Có thể nói, khi nói đến sinh kế hộ gia đình là nói đến ba yếu tố cấu thành, gồm các hoạt động của sinh kế, khả năng/năng lực thực hiện sinh kế hay kết quả sinh kết và tài sản sinh kế. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra kết quả sinh kế chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố. Các yếu tố ảnh hưởng đến quả sinh kế gồm nhận thức của cư dân về tầm quan trọng của các nguồn lực đối với sinh kế, các chủ trương chính sách, pháp luật, các rủi ro do thiên tai dịch bệnh. Trước đó, một số nghiên cứu đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế của cư dân ven biển là trình độ học vấn của lao động chính, đa dạng sinh kế, ảnh hưởng của tự nhiên, xã hội, đất sản xuất, … Mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng với kết quả sinh kế, chẳng hạn vay vốn có mối quan hệ ngược chiều, trong khi đó kinh nghiệm sản xuất, giá trị phương tiện,… có mối quan hệ cùng chiều với kết quả sinh kế.

 

Có thể nói, các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế của nông hộ. Trong bối cảnh hạn mặn, xác định được các yếu tố ảnh hưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đề xuất các giải pháp góp phần cải thiện sinh kế cho cư dân ở ĐBSCL. Do đó, mục đích của bài viết này là nhận diện những yếu tố ảnh hưởng và so sánh với những phát hiện của các nghiên cứu trước đó nhằm đề xuất ra nhiều giải pháp giúp người dân ĐBSCL có thể thích ứng với hạn mặn trong thời gian tới.

Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 300 người dân tại Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh để thu thập thông tin định tính và định lượng về nguồn vốn sinh kế, kết quả sinh kế và sự chuyển đổi mô hình sinh kế trong bối cảnh hạn mặn. Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 15 đến 25 tháng 6 năm 2020. Các hộ nông dân được lựa chọn theo hoạt động sinh kế từ các xã đã được lựa chọn (xã Vân Khánh, Vĩnh Bình Nam thuộc tỉnh Kiên Giang; xã An Lạc Tây và Trung Bình thuộc tỉnh Sóc Trăng; xã Hàm Tâm và Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh).

Trong thời gian qua, hạn mặn đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của người nông dân ở ĐBSCL. Sinh kế của cư dân vùng hạn mặn chủ yếu là những hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các bằng chứng nghiên cứu định lượng đã cho thấy kết quả sinh kế của cư dân trong hoạt động canh tác nông nghiệp còn thấp so với các hoạt động sinh kế khác và tình trạng phân hóa thu nhập của hoạt động sinh kế trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản còn khá cao. Nguyên nhân là do sinh kế trong hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp nhiều rủi ro. Vì thế, các chương trình, hoạt động xây dựng sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn cần chú ý đến đặc điểm của từng hoạt động sinh kế.

Về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế, nghiên cứu đã cho thấy, kết quả sinh kế của cư dân vùng hạn mặn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đó là số phương tiện sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, số lao động chính, số nguồn thu nhập, hỗ trợ của địa phương, vay vốn. Đa số các yếu tố có mối quan hệ cùng chiều với thu nhập của hộ gia đình, chỉ có yếu tố vay vốn có mối quan hệ trái chiều. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu gợi mở một số đề xuất các giải pháp phát triển sinh kế và thích ứng với hạn mặn cho người dân ở ĐBSCL trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của cư dân vùng hạn mặn, bài viết gợi mở một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần đa dạng hóa sinh kế để cải thiện sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn. Để làm được điều này thì cần có hỗ trợ ngành nghề, tăng cường liên kết “bốn nhà” nhằm tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ, tư vấn người dân chuyển đổi sinh kế.

Thứ hai, cải thiện vốn con người. Đó là chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người dân; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người dân, đặc biệt là người nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ và miễn giảm học phí

Thứ ba, cải thiện vốn tự nhiên. Để cải thiện vốn tự nhiên nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn thì cần phải đẩy mạnh công tác quy hoạch đất sản xuất phù hợp từng hoạt động sinh kế; tiến hành xây dựng các biện pháp công trình nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập mặn; đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước ngọt, người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước; biện pháp liên quan đến công trình như hồ trữ nước, lọc tách độ mặn trong nước; cần hạn chế đánh bắt theo kiểu “tiệt chủng” mà cần phải có biện pháp vừa đánh bắt vừa bảo vệ; ngoài ra, có biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp này.

Thứ tư, cải thiện vốn vật chất. Để làm được điều này thì cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người dân, khuyến khích người dân đầu tư mua sắm, nâng cao chất lượng phương tiện sản xuất; đầu tư công nghệ hiện đại nhằm mang lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất trong sản xuất và hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra.

Thứ năm, cải thiện vốn tài chính. Để cải thiện vốn tài chính nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn thì cần phải tăng cường khả năng tích lũy tài chính; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác huy động vốn; tháo gỡ những khó khăn trong vay vốn ngân hàng, hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Thứ sáu, cải thiện vốn xã hội. Vốn xã hội được đánh giá dựa trên các mối quan hệ xã hội và sự uy tín trong nhóm xã hội, cộng đồng. Để cải thiện vốn xã hội nhằm xây dựng sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn thì cần hỗ trợ kịp thời người dân khi gặp khó khăn; tăng cường và khắc phục các hạn chế trong liên kết hợp tác, phát triển các mô hình sản xuất theo tổ đội, nhân rộng mô hình hợp tác xã hội nông nghiệp làm ăn có hiệu quả; cần tiếp tục duy trì sự hỗ trợ và giúp nhau trong cộng đồng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Tập 57, Số 1C (2021)

Nguồn: http://www.sokhcn.cantho.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1351
  • Trong tuần: 19 391
  • Tất cả: 4388977