XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRỒNG DƯA LƯỚI THEO HƯỚNG AN TOÀN TRONG NHÀ MÀNG SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ TƯỚI NHỎ GIỌT TẠI TỈNH TRÀ VINH
Lượt xem: 2593

Thực hiện Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong nhấn mạnh vai trò của ngành khoa học công nghệ trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ; ưu tiên nguồn lực khoa học, công nghệ để thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng Đề tài “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại tỉnh Trà Vinh”, nhằm xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mô hình này giúp đẩy mạnh sản xuất rau ăn trái theo hướng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

 Đề tài được thực hiện với mục tiêu: Xác định được năng suất và hiệu quả kinh tế mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Đồng thời xây dựng quy trình trồng dưa lưới mới theo hướng an toàn có khả năng giảm 15-20% chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống và đạt năng suất 3,0-3,5 tấn/1.000 m2/vụ tại tỉnh Trà Vinh.Trong đó, mục tiêu cụ thể:

Xác định được năng suất và hiệu quả kinh tế của hai giống dưa lưới Taki và ML38 trồng trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại tỉnh Trà Vinh.

- Xây dựng quy trình trồng dưa lưới mới theo hướng an toàn có khả năng giảm 15-20% chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống và đạt năng suất 3,0-3,5 tấn/1000m2/vụ.

Kết quả thực hiện:

Đã thực hiện lắp đặt nhà màng trồng dưa lưới quy mô 384 m2 và hệ thống tưới nhỏ giọt tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Trà Vinh.

Nhà màng thực thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12270: 2018 Nhà ươm, nhà trồng – Các yêu cầu. Nhà màng được xây dựng bởi các kết cấu khung và được bao quanh bằng màng chất dẻo, tấm nhựa phẳng hoặc các loại lưới, nhằm kiểm soát yếu tố môi trường, sâu bệnh hại và đảm bảo thực hiện thuận lợi các hoạt động ươm, trồng và chăm sóc cây. Kết cấu nhà trồng và hệ thống cáp treo có thể chịu được tải trọng của cây trồng. Kết cấu nhà trồng cây có thể chống chịu được mưa, gió, bão tối thiểu cấp 8, mưa đá, tuyết rơi theo tiểu vùng khí hậu. Độ dày của màng là 150 mesh tương đương 0.104 mm đạt chất lượng cao hơn so với độ dày quy chuẩn là 0,08 mm, độ thấu quang tối thiểu đạt 80%. Sử dụng hệ thống quạt thông gió giúp lưu thông không khí bên trong nhà màng.

Hệ thống tưới được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6169: 2012 Công trình thủy lợi – Hệ thống tưới tiêu – Quy trình tưới nhỏ giọt. Thiết bị hệ thống được lắp đặt đồng bộ theo tiêu chuẩn gồm: Máy bơm, bình trộn phân, bộ lọc, van áp lực, đồng hồ lưu lượng, đồng hồ áp lực, van xả khí. Hệ thống dẫn: Đường ống dẫn chính được chôn sâu 50 cm, đường ống nhánh chôn sâu 40 cm và 30 cm. Cuối đường ống chính lắp đặt van xả khí, cuối đường ống nhánh lắp đặt nắp bịt xả cặn. Dẫn tưới trên mỗi lô có 1 van điều tiết, đường ống tưới, vòi nhỏ giọt. Hệ thống được vận hành kiểm tra các điều kiện như: máy bơm, động cơ, hệ thống ống tưới, van, lưu lượng nước,…

Liên kết với siêu thị, cơ sở thu mua kinh doanh trái cây trong tỉnh để bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Dự án đã xây dựng mẫu giới thiệu sản phẩm dưa lưới cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ. Chào hàng giới thiệu sản phẩm dưa lưới của Trung tâm đến các siêu thị, cơ sở kinh doanh trái cây,... trong tỉnh. Các sản phẩm dưa lưới của Trung tâm được đối tác cung cấp nguyên liệu thu mua theo hợp đồng với giá xô là 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện việc đăng ký và được Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại số 01/2021/NNPTNT-TV ngày 18/6/2021. Sản phẩm dưa lưới đạt các yêu cầu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo Báo cáo kết quả thử nghiệm số 210322.01.01 của Công ty TP Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO.

Trồng và đánh giá các chỉ tiêu năng suất của mô hình hai giống dưa lưới Taki và ML38 từ giai đoạn ươm giống đến khi thu hoạch tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Trà Vinh.

Về chỉ tiêu sinh trưởng

 

+ Chiều cao cây (cm): được ghi nhận tại thời điểm 10 NST, 20 NST tại bảng 1,2 cho thấy giống dưa lưới ML 38 cho tốc độ sinh trưởng vượt trội hơn giống dưa lưới Taki, Chiều cao cây đạt ngưởng 22 cm sẽ tiến hành cắt đọt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

+ Số lá: Trong giai đoạn cây 10, 20 NST theo bảng 1,2 giống dưa lưới ML38 có số lá nhiều hơn so với Taki. Tuy nhiên đến giai đoạn 30 NST 5 giống có số lá tương đối tương đồng nhau.

+ Số trái hữu hiệu: theo bảng 1,2 cho thấy số trái được thụ phấn tính từ nách là thừ 8 đến nách lá thứ 15 là 3-4 trái, tuy nhiên đối với giống dưa lưới Taki cho kết quả đậu trái cao hơn giống dưa lưới ML 38.

Qua số liệu thống kê cho thấy giống dưa lưới Taki có sức sinh trưởng vượt trội hơn giống dưa lưới ML 38.

Về chỉ tiêu suất và trọng lượng

Năng suất lý thuyết

Theo kết quả Bảng 3 cho thấy khối lượng trung bình của giống dưa lưới Taki có khối lượng cao hơn giống dưa lưới ML 38. Cụ thể:

 Năng suất dưa lưới vụ 1: của giống Taki là 1,358 kg/trái của giống dưa lưới ML 38 là 1,092 kg. Kết quả vụ 1 chọn được giống dưa lưới Taki cho năng suất đạt chỉ tiêu của đề tài.

Sau khi kết thúc vụ 1 nhóm dự án đã tiến hành điều chỉnh một số yếu tố trong quá trình sản xuất như: tưới bảo hòa dinh dưỡng cho giá thể 02 ngày trước khi xuống giống, thường xuyên cắt tỉa chèo bên đối với cành không tuyển trái, thực hiện việc tuyển trái sớm 2 ngày (từ ngày 28 NSKT trong vụ 1 thành ngày 26 NSKT vụ 2), tăng liều phun to trái (từ 02 liều lên 03 liều tại ngày 34,38,43 NSKT) định kỳ phun ngừa để hạn chế sâu bệnh hại. Kết quả: năng suất giống dưa lưới vụ 2: của giống Taki là 1,789 kg/trái (tăng trung bình 430g/trái) của giống dưa lưới ML 38 là 1,492 kg (tăng trung bình 400g/trái). Kết quả vụ 2 chọn được 02 giống dưa lưới Taki và giống dưa lưới ML 38 cho năng suất đạt chỉ tiêu của đề tài.

Bảng 3 Khối lượng lý thuyết của 02 giống dưa lưới trong 02 vụ.

Năng suất thực thu

Năng suất dưa lưới vụ 1: năng suất thực thu của giống dưa lưới Taki của 517/560 trái là 672,1 kg; năng suất thực thu của giống dưa lưới ML 38 của 518/560 trái là 569,8 kg.

Năng suất dưa lưới vụ 2: năng suất thực thu của giống dưa lưới Taki của 407/560 trái là 728 kg; năng suất thực thu của giống dưa lưới ML 38 của 386/560 trái là 576 kg.

Mặc dù năng suất dưa lưới dưa lưới vụ 2 tăng gần 30% so với vụ 1 tuy nhiên do gặp thời tiết bất lợi của tháng 12 (250 C – 27 0 C) bất lợi bệnh tấn công nhiều đặt biệt là bệnh Thối than Macrophomina phaseolina do nấm tấn công thân cây chảy ra chất dẻo màu hổ phách; thân cây khô và chuyển sang màu nâu rám nắng; vết bệnh có thể làm dập thân và chết cây (tỉ lệ bệnh gần 15,13%) gây thiệt hại về năng suất. Tổng sản lượng của 02 giống đạt yêu cầu về năng suất của đề tài.

Độ Brix thịt trái

Kết quả trình bày Bảng 4 cho thấy độ Brix của giống Taki là 13.5, giống Taki là 15.2 %. Theo Trần Thị Ba và Võ Thị Bích Thủy (2015) độ Brix thịt trái dưa lê chịu sự chi phối bởi yếu tố như di truyền của giống, dinh dưỡng và loại đất trồng,...Kết quả nghiên cứu của Võ Thị Bích Thủy (2005) cho thấy số lần và liều lượng bón phân Kali ở giai đoạn sắp thu hoạch cũng ảnh hưởng đến độ Brix của dưa lê, nếu bón Kali 2 lần thì độ Brix sẽ cao hơn khi bón 1 lần, tương tự nếu bón K2O với lượng 120-160 kg/ha sẽ cho độ Brix cao hơn bón 80 kg/ha. Tất cả các giống đều có độ Brix cao hơn đặc tính của giống (13-18%).

Bảng 4 Độ Brix thịt trái của hai giống dưa lưới

 

Chỉ tiêu cảm quan

Về chỉ tiêu cảm quan giống dưa lưới Taki có màu da cam, vị thơm đặt trung của dưa lưới, thịt mềm.

 Về chỉ tiêu cảm quan giống dưa lưới ML 38 có màu vàng, vị thơm ít thơm, thịt có độ giòn cao.

Kết luận

Xét trong cùng một quy trình canh tác giữa 2 giống dưa lưới Taki và ML 38. Giống dưa lưới Taki (trọng lượng trung bình 1,789 kg/trái) cho năng suất cao hơn giống dưa lưới ML 38 (trọng lượng trung bình 1,492 kg/trái). Tuy nhiên, theo đánh giá của người tiêu dùng và đơn vị bao tiêu đánh giá giống dưa lưới ML 38 được ưa chuộn hơn do độ Brix cao (15,2 %), có độ giòn phù hợp với thị thiếu người tiêu dùng.

Về đặt tính và hình thái sinh học giống dưa lưới Taki có sức sinh trưởng kém hơn giống dưa lưới ML 38. Tuy nhiên, giống dưa lưới Taki cho sức chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Trồng dưa lưới vụ từ tháng 01 đến tháng 09 âm lịch trong nhà lưới màng cho năng suất cao. Cần nghiên cứu thêm các biện pháp về dinh dưỡng giúp tăng năng suất cho giống dư lưới ML 38 để hoàn thiện quy trình canh tác.

Nên trồng xen canh các cây trồng khác từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch để hạn chế nấm bệnh gây hại.

                             Thanh Loan


Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1556
  • Trong tuần: 19 596
  • Tất cả: 4389182