Nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) tại tỉnh Trà Vinh”
Lượt xem: 2124
1. Đặt vấn đề Trà Vinh là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, địa hình bằng phẳng với độ cao dưới 1m so với mặt nước biển, có hệ sống sông chính chiều dài trên 500 km với các kênh rạch chằng chịt. Do đặc thù vùng ven biển nên tỉnh Trà Vinh có khí hậu ôn hoà, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. 

Ảnh: Họp Hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) tại tỉnh Trà Vinh”

 

Với diện tích đất 229.200 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 186.170 ha (diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản chiếm 62.000 ha). Tổng sản lượng thuỷ, hải sản bình quân đạt 157.000 tấn/năm trong đó riêng sản lượng cua đạt 5.200 tấn/năm.

 Tỉnh Trà Vinh hàng năm nhu cầu giống cua biển gần 130 triệu con, thả nuôi trên diện tích gần 15.500 ha, tuy nhiên con giống gần như nhập hoàn toàn từ ngoài tỉnh, hiện tỉnh ta chưa có cơ sở sản xuất cua giống hoàn chỉnh, một số trại sản xuất tôm giống chuyển sang sản xuất cua biển nhưng số lượng và hiệu quả đạt được chưa cao do quy trình chưa ổn định từ khâu nuôi vỗ cua mẹ đến khâu ương ấu trùng. Trong khi cua giống nhập về không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng con giống không ổn định làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Thực tế sản xuất giống cua biển tại tỉnh Trà Vinh hiện nay thường có tỷ lệ sống không cao (dưới 10%) và gần như không còn trại sản xuất giống cua biển do không có hiệu quả kinh tế. Muốn thúc đẩy việc sản xuất giống cua biển tại địa phương thì phải có qui trình sản xuất với tỷ lệ nuôi vỗ cua ôm trứng và nở tốt trên 60% và tỷ lệ sống đến cua 1 cao hơn 10%; như vậy giá thành sản xuất mới giảm, người sản xuất sẽ có lợi nhuận thì họ mới mạnh dạng đầu tư vào sản xuất giống cua biển, góp phần vào tăng hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Từ thực trạng trên cho thấy việc xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cua biển,  tỷ lệ sống cua mẹ ôm trứng và nở tốt từ 60% và ấu trùng đạt tỷ lệ sống đến cua 1 trên 10% là hết sức cần thiết. Từ nhu cầu cấp thiết trên, đề tài  “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) tại tỉnh Trà Vinh” do Trung tâm Giống chủ trì, ThS. Lê Chí Thọ làm chủ nhiệm đề tài đã được tổ chức triển khai thực hiện.

2. Nội dung thực hiện

2.1. Nuôi vỗ cua ôm trứng và nở tốt trên 60%

Để hoàn thành nội dung này cần thực hiện các công việc và phương pháp gồm:

- Vệ sinh trại ương nuôi: Dùng dung dịch chlorine nồng độ 200 ppm: phun xịt khử trùng trại; ngâm bể chứa và xô nhựa trong 1 tuần; ngâm dụng cụ cần thiết trong 24 giờ.

- Xử lý nước ương nuôi: Pha nước biển và nước ót đạt độ mặn 30‰ được xử lý thuốc tím 1ppm, sục khí trộn đều để lắng 24 giờ, bơm qua bể xử lý, xử lý chlorine 30 ppm, sục khí đến khi hết chlorine, bơm qua hệ thống lọc cát vô bể chứa để sử dụng dần.

- Tuyển chọn cua mẹ nuôi vỗ: Chọn cua mẹ có nguồn gốc khai thác từ biển là tốt nhất, có trọng lượng 350 – 500g/con hoặc có thể lớn hơn, có chiều rộng mai 8-10cm, khỏe, không thương tích, phải chọn cua có gạch để cua nhanh thành thục và đẻ trứng. Cua gạch có vỏ cứng, yếm tròn, mai vung cao, khoảng cách giữa mai và yếm rộng trên 3mm.

- Nuôi cua mẹ trong xô nhựa: sau khi được tuyển chọn thì tiến hành vệ sinh cho thật sạch, tắm cua mẹ bằng formol 150ppm trong 30 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch và đưa vào nuôi trong xô 120 lít, mực nước nuôi vỗ cao 40 cm, mỗi xô thả 1 con cua mẹ, bố trí 2 vòi sục khí, sục khí 24/24 giờ; cắt một bên mắt cua mẹ sau 3-4 ngày nuôi vỗ; thay nước 100%, ngày 2 lần sáng và chiều; hàng ngày tắm cua mẹ bằng Iodine 200ppm trong 5 phút. Thức ăn cua mẹ: sò huyết, chem chép, cho ăn 10% trọng lượng thân trở lên. Theo dõi độ mặn, nhiệt độ, pH, độ kiềm: đo hàng ngày bằng máy đo độ mặn, nhiệt kế thủy ngân, test Sera của Đức.

- Ấp cua mang trứng: Cua mang trứng được chuyển nuôi riêng biệt trong xô nhựa 120 lít, mực nước cao 60cm, mỗi xô ấp 1 con cua mang trứng, bố trí 2 vòi sục khí, sục khí 24/24 giờ; thay nước 100%, ngày 2 lần sáng và chiều; hàng ngày tắm cua mẹ bằng Iodine 100ppm trong 1 phút. Thức ăn cua mẹ: sò huyết, chem chép, cho ăn 5% trọng lượng thân. Theo dõi độ mặn, nhiệt độ, pH, độ kiềm: đo hàng ngày bằng máy đo độ mặn, nhiệt kế thủy ngân, test Sera của Đức.

Do số lượng cua biển đánh bắt ngoài tự nhiên khan hiếm, chất lượng cũng không tốt nên nhóm nghiên cứu đã thực hiện tuyển chọn và bố trí nuôi vỗ cua mẹ chia làm 3 đợt.

Nhóm thực hiện đề tài đã bố trí thí nghiệm, theo dõi các yếu tố về môi trường và thu được các kết quả: 

Với kết quả đã thu được, đề tài đã hoàn thành mục tiêu nuôi vỗ cua mẹ đạt tỷ lệ sống và nở tốt trên 60%, cụ thể là 62,86%. Từ đó đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nuôi vỗ cua mẹ trong xô nhựa.

2.2. Ương ấu trùng cua với các mật độ và giai đoạn san thưa khác nhau

Để hoàn thành nội dung này cần thực hiện các công việc và phương pháp gồm: Các thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức và 3 lần lặp lại gồm: san thưa ở giai đoạn zoea 3; san thưa ở giai đoạn zoea 4; san thưa ở giai đoạn zoea 5.

Ấu trùng zoea 1 được ương trong bể 1m3, đến giai đoạn san thưa tiến hành theo tỷ lệ về thể tích và mật độ là 1:3. Chuyển toàn bộ ấu trùng san bể ương 4m3, bố trí 4 vòi khí giữa bể và sục khí mạnh.

Thức ăn giai đoạn zoea1, 2 là artemia (Vĩnh Châu) bun dù, mật độ cho ăn 5g-6g/lần/m3, cho ăn 4 lần/ngày (6, 12, 18, 24 giờ), Fripak cho ăn 2g-3g/lần/m3, ngày cho ăn 4 lần (3, 9, 15, 21 giờ). Thức ăn giai đoạn zoea 3-5 Artemia (Mỹ) nở, mật độ cho ăn 7g-8g/lần/m3, cho ăn 4 lần/ngày (6, 12, 18, 24 giờ), Fripak cho ăn 4g-5g/lần/m3, ngày cho ăn 4 lần (3, 9, 15, 21 giờ).

Thức ăn sử dụng trong ương ấu trùng megalopa: Artemia nở, mật độ 10g/m3, Lansy post 10g/m3 thời gian cho ăn như giai đoạn zoea 5.

Các chỉ tiêu theo dõi: Độ mặn, nhiệt độ, pH, độ kiềm: đo hàng ngày bằng máy đo độ mặn, nhiệt kế thủy ngân, test Sera của Đức.

Kết quả thu được tỷ lệ sống của các nghiệm thức như sau:

Tỷ lệ sống trung bình của 03 đợt ương nuôi đều cao hơn 10%, đợt 2 có tỷ lệ sống trung bình đến cua 1 là cao nhất đạt 15,17 ± 1,29%, đợt 3 có tỷ lệ sống đến cua 1 cao thứ 2 đạt 14,01 ± 2,51% và đợt 1 có tỷ lệ sống đến cua 1 thấp nhất đạt 13,41± 2,39%. Tỷ lệ sống trung bình của nghiên cứu cao cho thấy qui trình ương đã được quản lý môi trường, mầm bệnh một cách tốt nhất.

Theo kết quả trên cho thấy ương ấu trùng ở 3 giai đoạn san thưa thì san thưa ở giai đoạn zoea 4 có tỷ lệ sống cao nhất và ương ấu trùng cua ở mật độ 400 con/lít  san thưa ở giai đoạn zoea 4 có tỷ lệ sống tốt nhất so với các mật độ ương còn lại.

* Về hiệu quả kinh tế: Với ước giá cua 1 bán ra thị trường là 220 đồng/con và các chi phí đã được ghi nhận khi chi trong quá trình thực hiện đề tài:

Về lợi nhuận thì ở mật độ ương 500 con/lít và san thưa zoea 4 có lợi nhuận 4,66 triệu đồng là cao nhất và cao hơn nghiệm thức ương ở mật độ 400 con/lít và san thưa zoea 4 cao thứ hai với lợi nhuận là 4,60 triệu đồng. Tuy nhiên, mức chênh lệch về lợi nhuận cũng không cao.

Về giá thành ương ra 01 con cua thì ương ở mật độ 400 con/lít và san thưa zoea 4 là thấp nhất với 148 đồng và cao nhất là ương mật độ 500 con/lít san thưa zoea 5 đến 257 đồng.

Về hiệu quả đồng vốn thì ương ở mật độ 400 con/lít và san thưa zoea 4 đạt cao nhất 1,49 lần, cao thứ hai là ương ở mật độ 300 con/lít và san zoea 4 với 1,46 lần, còn ương mật độ 500 con/lít và san thưa zoea 4 cao thứ ba với 1,39 lần.

2.3. Hoàn thiện quy trình ương ấu trùng cua từ giai đoạn zoea 1 đến cua 1

Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn mua cua mẹ về nuôi vỗ được 8 con, áp dụng phương pháp nuôi vỗ cua mẹ như trên, kết quả cua mẹ đẻ được 5 con, đảm bảo đủ lượng ấu trung bố trí cho đợt ương nuôi lặp lại.

Bố trí ương ấu trùng mật độ 400 con/lít, san thưa ở giai đoạn zoea 4. Bố trí  6 bể ương, mỗi bể 01 m3 nước, tổng lượng ấu trùng đã bố trí cho đợt ương nuôi lặp lại này là 2,4 triệu ấu trùng Zoea 1. Áp dụng phương pháp ương ấu trùng như giai đoạn trước.

Đợt ương nuôi lặp lại này đã đánh giá được tổng thể qui trình, đều chỉnh, bổ sung và đưa ra những khuyến cáo cần thiết giúp cho việc ương nuôi ấu trùng cua biển đạt hiệu quả nhất, dễ vận hành và phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh Trà Vinh.

Hình 1: Tỷ lệ sống 6 bể ương

 

 Tỷ lệ sống trong ương ấu trùng cua biển của nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu trước đây, nguyên nhân có thể do trong thời gian triển khai thí nghiệm nhiệt độ tương đối ổn định ở mức cao, nguồn cua mẹ được tuyễn chọn và nuôi vỗ tốt, được ương với mật độ 400 con/lít và san thưa ở giai đoạn Zoea 4 là rất thích hợp trong điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng cùa tỉnh Trà Vinh. Kết quả này đạt và vượt so với yêu cầu của đề tài  đặt ra là trêm 10%, và cho thấy qui trình ương nuôi đã thực hiện trong nghiên cứu là hiệu quả.

2.4. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cua biển, tỷ lệ sống cua mẹ ôm trứng và nở tốt từ 60% và ấu trùng đạt tỷ lệ sống đến cua 1 trên 10%

Trãi qua 02 giai đoạn nghiên cứu kết quả: Giai đoạn 1 đã nuôi vỗ cua mẹ đạt tỷ lệ cua mang trứng và nở tốt đạt 62,86%. Cua mẹ được nuôi vỗ tốt trong xô nhựa cho chất lượng ấu trùng zoea 1 mạnh khỏe, sức sinh sản và tỷ lệ nở cao, góp phần nâng cao tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua 03 đợt nuôi vỗ cua mẹ, nhóm tác giả cũng đã bổ sung và hoàn thiện qui trình nuôi vỗ cua mẹ trong xô nhựa đạt tỷ lệ sống cua mang trứng và nở tốt trên 60%.

Kết quả khi phân tích sự khác biệt và hiệu quả kinh tế khi thực hiện các nghiệm thức ương ấu trùng với mật độ 300 con/lít, 400 con/lít, 500con/lít và san thưa ở giai đoạn zoea 3, zoea 4, zoea 5 đã xác định được được mật độ ương và gia đoạn san thưa hiệu quả nhất là ương ấu trùng mật độ 400 con/lít và san thưa ở giai đoạn zoea 4. Mật độ ương khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) khi thực hiện san thưa ở giai đoạn zoea 5. San thưa giai đoạn zoea 3, zoea 4, zoea 5 đều có sự khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) ở từng mật độ ương là 300 con/lít, 400 con/lít và 500 con/lít với nhau.

Giai đoạn 2 thực hiện 06 bể ương lặp lại nghiệm thức ương mật độ 400 con/lít và san thưa ở giai đoạn zoea 4 để đánh giá lại qui trình và đã cho kết quả tỷ lệ sống trung bình của 6 bể ương đến cua 1 là 14,67 ± 0,86 %. Từ đó, nhóm tác giả đã bổ sung và hoàn thiện qui trình sản xuất giống cua biển đạt tỷ lệ sống đến cua 1 trên 10%.

Như vậy, qui trình sản xuất giống cua biển đạt tỷ lệ cua mẹ đẻ và nở tốt trên 60% và tỷ lệ sống đến cua 1 trên 10% được hoàn thiện giúp cho quá trình sản xuất giống được dễ dàng và hiệu quả sẽ làm giảm giá thành con giống cua biển tạo điều kiện cho nghề nuôi cua biển phát triển góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống xã hội của người dân.

* Về hiệu quả kinh tế:

Nhóm thực hiện đã tổng các khoản chi phí đầu để tính tổng chi cho đợt ương (giá vật tư tính theo thời điểm đấu thầu năm 2020). Cũng ước giá cua bán ra trên thị trường là 220 đồng/con.

Với giá thành sản phẩm là 167 đồng/con cua thì người sản xuất sẽ đủ cạnh tranh với giá thị trường. Trong những năm gần đây, trong tỉnh Trà Vinh, theo ghi nhận của nhóm tác giã, giá cua giống có thời điểm xuống thấp nhưng cũng nằm 180 đồng/con trở lên và cũng có thời điểm lên 380 đồng/con. Các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh có thể tận dụng trại sản xuất tôm sú vào những thời điểm ngưng vụ tôm sú chuyển sang sản xuất giống cua biển vì thời gian sản xuất 1 đợt cũng ngắn (25 ngày) và chi phí đầu tư cho 1 đợt cũng không cao.

Trong tình hình sản xuất hiện nay tại tỉnh Trà Vinh, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng thì cua biển được xem là đối tượng nuôi thay thế vì tính rộng muối, ít khi bị nhiễm bệnh, rủi ro thấp và thân thiên với môi trường vì nuôi cua rất ít sử dụng thuốc, hóa chất.

Lợi nhuận trong sản xuất giống cua biển không cao khi hiệu quả sử dụng đồng vốn là 1,32 lần so với các đối tượng ương nuôi khác nhưng lại có rủi ro thấp. Trong sản xuất cua giống có 1 điểm chung là khi ấu trùng chuyển sang cua 1 thì phải xuất bán cho hết (vì nếu để lâu thì cua 1 sẽ chuyển sang cua 2, lúc này tỷ lệ hau hụt là cao và không vận chuyển đi xa được) và theo thực tế thì nhu cầu cua giống tại tỉnh Trà Vinh đối với giống cua sản xuất tại địa phương là cung không đủ cầu, người nuôi rất thích cua giống sản xuất tại chổ, do đó người sản xuất giống cua biển sẽ đở lo đầu ra sản phẩm.

3. Kết quả nghiệm thu:

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua ngày 20/8/2021 với kết quả xếp loại: Đạt.

Thu Trang – phòng Quản lý Khoa học

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 1803
  • Trong tuần: 18 405
  • Tất cả: 4386978