Hội thảo “ Mô hình canh tác cây Ngải trắng (Curcuma aromatica Salisb) tại tỉnh Trà Vinh”
Lượt xem: 3327
Trong khuôn khổ Đề tài “Khảo sát khả năng thích nghi, xây dựng quy trình trồng và thu nhận cao chiết cây Ngải trắng (Curcuma aromatica Salisb) tại tỉnh Trà Vinh” (Đề tài) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đầu tư kinh phí, ngày 31/10/2020 Viện Sinh học Nhiệt đới - đơn vị chủ trì Đề tài - phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Long Sơn tổ chức Hội thảo về mô hình canh tác cây Ngải trắng tại ấp Sóc Mới với 35 đại biểu tham dự. ThS. Trịnh Thị Bền, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm cán bộ thực hiện đã tham dự, báo cáo tại Hội thảo.   

 

Ảnh: Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo sau khi tham quan 02 mô hình canh tác cây Ngải trắng của 02 hộ Kim Sô Phan trồng trên đất phù sa (diện tích 0,5 ha), hộ Kim Sang trồng trên đất cát giồng (diện tích 0,2 ha) tại ấp Sóc Mới xã Long Sơn huyện Cầu Ngang; các đại biểu đã thảo luận tập trung vào hai chủ đề chính: Đánh giá kết quả thực hiện quy trình kỹ thuật trồng cây Ngải trắng trong thời gian qua và định hướng các giải pháp phát triển, tiêu thụ sản phẩm (củ) cây Ngải trắng trong giai đoạn sắp tới. Theo đó trong tháng 6/2020 bên cạnh việc được Đề tài đầu tư hỗ trợ 100% kinh phí về giống, 50% về vật tư nông nghiệp, phân bón,…; 02 hộ thực hiện mô hình còn được chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng cây Ngải trắng có áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới, trong đó nguồn cây giống được sử dụng từ cây nuôi cấy mô. Tuy gặp thời tiết bất lợi vì mùa mưa năm 2020 kéo dài dồn dập trong tháng 9 - 10 dl nhưng do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, khu vực trồng được lên liếp và thoát nước tốt nên đến nay kết quả đạt được khá khả quan. Sau hơn 5 tháng triển khai, hiện 02 mô hình đều cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, mô hình cây Ngải trắng trồng trên đất phù sa và đất cát giồng có tỷ lệ sống, chiều cao trung bình lần lượt tương ứng là 97,62 và 90,48%; 120 và 100 cm. Tại thời điểm Hội thảo, 02 mô hình cây Ngải trắng đang ở giai đoạn phát triển tạo củ. Dự kiến đến cuối mùa mưa, cây Ngải trắng trên 02 mô hình sẽ cho củ đầy đủ.

Để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (củ) cây Ngải trắng trong thời gian tới, Hội thảo cũng thống nhất đưa ra các giải pháp cần triển khai như: (1) Tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây giống và trồng cây Ngải trắng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân và cán bộ kỹ thuật; (2) Chính quyền xã Long Sơn và một số đơn vị chức năng của huyện Cầu Ngang (Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng,...) khuyến cáo một số hộ trên địa bàn xã Long Sơn mở rộng quy mô canh tác cây Ngải trắng bằng nguồn vốn dân và/hoặc vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, vốn từ các chương trình mục tiêu khác,…; (3) Sử dụng cây giống cấy mô tại chỗ cung cấp cho người sản xuất để chủ động về nguồn giống và thời vụ,... ; (4) Liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ củ cây Ngải trắng với lợi nhuận thỏa đáng cho người trồng. Được biết, trong khuôn khổ Đề tài đã đào tạo 04 cán bộ kỹ thuật cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Trà Vinh về kỹ thuật nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô trên cây Ngải trắng nhằm tiến tới chủ động trong việc cung cấp cây giống cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Viện Sinh học Nhiệt đới đã liên kết với Công ty TNHH Thế Giới Gen thu mua nguyên liệu củ từ 02 mô hình để sản xuất thực phẩm chức năng.

Ảnh: Đại biểu tham quan mô hình trồng cây Ngải trắng

Bảo Việt

            


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 1 628
  • Tất cả: 4408915