Thực trạng về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh trà vinh
Lượt xem: 3363

Hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) ở tỉnh Trà Vinh được thực hiện chủ yếu dưới 2 hình thức, một là thông qua dự án đầu tư của doanh nghiệp (đầu tư mới, đầu tư nâng cấp mở rộng, nghiên cứu phát triển- R&D), hai là thông qua đề tài, dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (R&D) từ ngân sách nhà nước (lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ trọng 50-60%). Theo kết quả đánh giá năm 2018, đầu tư cho hoạt động R&D do nhà đầu tư (doanh nghiệp) tự trang trải trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 0,10% doanh thu (bình quân cả nước là 0,20) và tổng chi cho R&D của tỉnh  theo %GRDP là 0,13. Nhìn chung, hoạt động CGCN ở tỉnh còn rất hạn chế (tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị 2017- 2019 bình quân đạt khoảng 10,25%/năm, mặt bằng chung của cả nước là 10,70%), chưa đáp ứng được nhu cầu về mục tiêu tăng năng suất chất lượng.

Tính đến tháng 12/2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.200 doanh nghiệp (số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ tạo ra vật phẩm là 5%), có 01 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Song chỉ có 17 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng thành công các hệ thống quản lý, trong đó ISO 9001:2008 (08 doanh nghiệp); ISO 14001 (01 doanh nghiệp), ISO/IEC: 17025 (03 doanh nghiệp), HACCP, BRC (03doanh nghiệp), ISO 22000 (01 doanh nghiệp), GMP (01 doanh nghiệp); có 06 lượt doanh nghiệp tham gia các Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có 01 doanh nghiệp đạt Giải Vàng, 02 doanh nghiệp đạt Giải Bạc, một số doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Đặc biệt là chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp-TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019 là 31% (chỉ tiêu năm 2020 là 35%).

Toàn tỉnh hiện có 599 đối tượng sở hữu công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ độc quyền; trong đó 562 nhãn hiệu (có 35 nhãn hiệu tập thể), 26 kiểu dáng công nghiệp, 08 sáng chế và 03 giải pháp hữu ích.

Nguyên nhân là do hoạt động CGCN giữa các viện, trường và cơ sở nghiên cứu cho nhà đầu tư (doanh nghiệp) còn hạn chế, mang tính cục bộ, phạm vi hẹp, tự phát, thiếu các đơn vị dịch vụ CGCN, liên kết giữa người mua và người bán công nghệ (Môi giới CGCN, Tư vấn CGCN, Đánh giá công nghệ, Thẩm định giá công nghệ, Giám định công nghệ, Xúc tiến chuyển giao công nghệ). Việc CGCN giữa các doanh nghiệp trong nước còn ít, quy mô nhỏ, nội dung CGCN thường không đầy đủ và hình thức chuyển giao còn đơn giản, đối tượng CGCN chủ yếu là mua bán thiết bị. Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng tầm về vai trò của hoạt động tư vấn lựa chọn, đánh giá, thẩm định công nghệ trong hoạt động CGCN và hầu hết các doanh nghiệp không có cơ cấu tổ chức (phòng, chuyên gia) thực hiện nhiệm vụ R&D; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới thiết bị công nghệ còn tản mạn và không đầy đủ./.

Thúy Hằng


Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 1935
  • Trong tuần: 19 975
  • Tất cả: 4389561