Nông dân trồng dừa sáp Cầu Kè: Nâng giá trị kinh tế từ đa dạng sản phẩm
Lượt xem: 3997
Dừa sáp-một loại trái cây đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cầu Kè. Tuy nhiên, do sản phẩm dừa sáp chủ yếu là dùng làm sinh tố và được chế biến sẵn dùng ngay (sau khi bổ đôi trái dừa sáp). Từ đó, vấn đề bảo quản cũng như thời gian chế biến từ trái dừa sáp dùng không được lâu. Trong khi đó, giá của trái dừa sáp thường khá cao và “hút hàng” trong những dịp diễn ra lễ hội; nên người tiêu dùng thường tìm đến đặc sản dừa sáp chủ yếu “dùng thử một lần” để biết hương vị đậm đà của đặc sản nổi tiếng vùng đất Cầu Kè.

Đa dạng sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp nhằm giúp người tiêu dùng được thưởng thức đặc sản này luôn được huyện Cầu Kè cũng như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, thuộc Sở Công thương hướng đến. Thông qua việc hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến trong dây chuyền sản xuất mứt, kẹo dừa sáp cho hộ bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng, thị trấn Cầu Kè. Có thể nói, trong những tháng cuối năm 2019, với những sản phẩm được chế biến từ trái dừa sáp, như mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp… đã có mặt trên thị trường bánh mứt trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng đến liên kết giữa người trồng dừa với cơ sở sản xuất bánh mứt, đây cũng là dịp để xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu dừa sáp Cầu Kè đến với người nông dân.

Hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè có khoảng 60.351 cây dừa sáp (tương đương 250ha) và số cây đang cho trái chiếm trên 80%. Hiện nay, ngoài xã Hòa Tân có diện tích trồng dừa sáp nhiều (khoảng 42.000 cây), nhiều nông dân ở các xã Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Ân, Phong Phú và thị trấn Cầu Kè đã và đang mở rộng diện tích trồng dừa sáp theo hình thức chuyển đổi từ đất lúa, đất vườn kém hiệu quả… Ông Diêu Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Kè cho biết: Trước đây, các sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp còn “đơn điệu”, chủ yếu là cung ứng cho du khách và người tiêu dùng nội địa… Từ đó, giá trị mang lại của trái dừa sáp không cao. Với việc chế biến các sản phẩm từ dừa sáp của cơ sở Cẩm Hằng không chỉ làm tăng giá trị cho trái dừa sáp, mà còn giúp cơ sở cũng hướng đến liên kết với Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân và một số hộ trồng dừa sáp để tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến các loại mứt, kẹo từ trái dừa sáp. Đối với thị trấn Cầu Kè, hiện có khoảng gần 08ha chuyên trồng dừa sáp và có hơn 20 điểm thu mua, bán dừa sáp cho du khách và bán online theo đơn đặt hàng. Thời gian tới, nếu được Trung tâm đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ cơ sở phát triển lên doanh nghiệp, khi đó sẽ tạo ổn định cho giá trị trái dừa sáp.

Nói về hướng phát triển cũng như năng lực sản xuất các sản phẩm từ trái dừa sáp, bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng cho biết: Hiện nay, mứt dừa sáp được khách hàng tìm mua rất nhiều, trước đây, người tiêu dùng chỉ có dùng dừa sáp chế biến thức uống (sinh tố) hoặc dùng trực tiếp, nên bất tiện khi phải mua cả trái dừa sáp (giá từ 120.000-150.000 đồng) và thời gian bảo quản không lâu. Nay có mứt dừa sáp được chế biến từ dừa sáp, giá bán hiện khoảng 400.000-450.000 đồng/kg, hay kẹo dừa sáp. Tất cả làm theo truyền thống, không sử dụng chất bảo quản hay hương vị vani, nên vẫn đảm bảo 100% nguyên vị của dừa sáp và người tiêu dùng có thể dùng trong thời gian khoảng 15-20 ngày.

Được biết, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã đầu tư hệ thống thiết bị sấy, đóng gói, mã vạch và hút chân không; nên sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thời gian sử dụng lâu hơn, người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm của cơ sở thông qua quét mã vạch trên bao bì. Cũng theo bà Nguyễn Thị Cẩm, trước đây để có 01 mẻ mứt dừa, sau khi qua công đoạn gọt và cắt lát, ướp đường và dừa được đưa vào chảo để xào đến mứt khô, phải mất khoảng 12 giờ, trong này giai đoạn làm khô mứt dừa chiếm hơn 60% thời gian và 01 lao động chỉ có thể sản xuất khoảng 01 chảo mứt dừa, khoảng 05-07kg; từ khi có hệ thống máy sấy tự động, sau khi mứt dừa qua giai đoạn xào đường xong; sẽ được đưa vào các khay trong lò sấy (với 03 máy sấy: có các công suất sấy 06 khay/10kg mứt/mẻ; 10 khay/50kg mứt/mẻ; 03 khay/05kg mứt/mẻ), đảm bảo cho cơ sở cung cấp đủ sản lượng mứt theo các đơn hàng của khách. Tết năm 2019 do cơ sở còn sản xuất thủ công, nên chỉ đáp ứng khoảng 500kg mứt phục vụ người tiêu dùng dịp, còn Tết năm 2020, khả năng cung ứng của cơ sở có thể đạt 300kg mứt/tuần. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất kẹo dừa sáp.

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 1834
  • Trong tuần: 18 436
  • Tất cả: 4387009