SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH TRÀ VINH BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ, TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Lượt xem: 3056
Nhằm cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1740/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,

Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lĩnh vực khoa học và công nghệ trên tinh thần nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội, bao gồm 7 nội dung nhiệm vụ chính như sau:

  1. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ:

 Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng trên địa bàn tỉnh phù hợp với các chính sách, kế hoạch về giống của Trung ương, địa phương; hướng đến việc chọn tạo và phát triển toàn diện về giống (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); cải thiện các giống đã có, các giống đặc sản, giống có năng suất, chất lượng cao để chủ động nguồn con giống phục vụ người dân. Phát triển các giống tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; đánh giá đặc tính thích nghi của các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế nhằm tái cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu thực hiện chuyển giao giống, phòng trừ dịch hại, xây dựng chuỗi liên kết, đào tạo nguồn lực… Hàng năm, phối hợp với các Viện, Trường, các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai từ 02 - 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, từ 02 - 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở có liên quan đến nghiên cứu, sử dụng giống mới.

2. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp:

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đầu tư sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, hằng năm triển khai 05 - 07 đề tài/dự án gồm các lĩnh vực:

- Trong lĩnh vực trồng trọt: Triển khai thực hiện các đề tài/dự án xây dựng nhân rộng các mô hình về giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn, có năng suất chất lượng cao và ổn định nhằm ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, nuôi cấy phôi, ghép trong sản xuất cây giống hoa kiểng, cây dược liệu, cây ăn trái, cây lâm nghiệp,… đảm bảo đồng đều về năng suất, chất lượng; triển khai quy trình sản xuất các loại chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình chế biến sản phẩm nông sản truyền thống của địa phương theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học nhằm kéo dài thời gian bảo quản cũng như nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: nhân rộng một số đối tượng nuôi mới có khả năng thương mại hóa trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới và phát triển công nghệ:

Thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thiết bị và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 82/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến hỗ trợ khoảng 03 doanh nghiệp/năm.

4. Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

Hàng năm tổ chức 01 hội thảo hoặc tập huấn về các nội dung liên quan đến Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; 01 lớp đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 01 cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 5. Về sở hữu trí tuệ:

- Mỗi năm, hỗ trợ từ 16-21 hình thức bảo hộ (trong đó: 02-03 nhãn hiệu tập thể, 10-12 nhãn hiệu độc quyền, 02 kiểu dáng công nghiệp trong nước, 01-02 nhãn hiệu quốc tế, 01-02 sáng chế/giải pháp hữu ích). Tổ chức hội nghị tập huấn về sở hữu trí tuệ (04 cuộc/ năm).

- Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm trái Dừa Sáp; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” cho sản phẩm Tôm của tỉnh Trà Vinh; và 10 nhãn hiệu chứng nhận (Thanh Long của HTX Thanh Long Vĩnh Trà - huyện Châu Thành; Lúa, gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp Phú Mỹ Châu - huyện Châu Thành; Cua của tỉnh Trà Vinh; Nghêu của Hợp tác xã nghêu Tiến Thành - huyện Châu Thành; Rau quả của  HTX Nông nghiệp Thành Công - huyện Trà Cú; Gà thịt của HTX Nông nghiệp Long Đức - thành phố Trà Vinh; Lúa, gạo của HTX Nông nghiệp Nhị Trường - huyện Cầu Ngang; Xoài cát chu của HTX xoài cát chu An Lộc;     Lúa, gạo của HTX Nông nghiệp Phú Cần - huyện Tiểu Cần; Lúa, gạo của HTX Nông nghiệp Huyền Hội - huyện Càng Long).

6. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025:

- Hàng năm tổ chức 01 hội nghị tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, đặc biệt là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp; xây dựng 01 chuyên mục để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng.

- Trong giai đoạn 2021-2025:

▪ Hỗ trợ xây dựng, áp dụng và chứng nhận 17 hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, 13 công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

▪ Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho 10 chuyên gia năng suất chất lượng; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho 250 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước; 400 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của doanh nghiệp; 250 lượt giảng viên, sinh viên trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

▪ Xây dựng 01 Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), VietGAP, thực hành nông nghiệp hữu cơ”.

▪ Xây dựng thí điểm 01 nhiệm vụ khoa học như: chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (HACCP). Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP), môi trường, sức khỏe nghề nghiệp… phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

7. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030:

- Hàng năm, tổ chức tuyên truyền, cập nhật phổ biến các quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế về truy xuất nguồn gốc cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để đảm bảo nguồn lực tổ chức, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực và theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Khảo sát, điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, khảo sát nhu cầu thực hiện của các đơn vị; đề xuất xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm trọng điểm, hàng hóa chủ lực, hàng hóa đặc trưng để triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

- Xây dựng vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh: hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; thực hiện 1.000.000 mã xác thực và tem cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhóm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế… các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (400.000 tem)./.

 

          Thi Lan Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ


Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 1 606
  • Tất cả: 4408707