Học tập làm theo Bác: Tư tưởng hồ chí minh về xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên đủ đức, đủ tài trong sự nghiệp cách mạng ngày nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đào tạo họ trở thành những cán bộ có nhân cách phát triển toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tư tưởng của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản về nhân cách của một con người và nó lại càng đúng với nhân cách của một người thầy. Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị”. Những phẩm chất nhân cách đó của người cán bộ, đảng viên được Người khái quát ngắn gọn trong hai chữ “đức” và “tài”. Đây cũng là chuẩn mực để mỗi cán bộ, không ngừng học tập, rèn luyện.
              Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho thực sự là công bộc của Nhân dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng. Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, “gốc” là từ đó sinh ra, cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, gốc có vững thì cây mới bền. Như vậy, cây vừa phải có gốc và gốc phải vững. Công việc cách mạng phải có cán bộ và cán bộ phải tốt. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

              Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho Nhân dân hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu đề xuất , đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn Nhân dân thực hiện . Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ, Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. Người viết: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích ”.

              Theo Người, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời, đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng thì phải đặt lợi ích của Đảng và Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Phải hết sức hết lòng phục vụ Nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, luôn gương mẫu trong mọi công việc, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

              Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên có đạo đức tốt là người “Trung với nước, hiếu với dân”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “Thương yêu con người, sống có nghĩa tình”, đó là những yêu cầu của Người đối với đạo đức của người cán bộ. Ngoài ra, phải là người có bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định, vững vàng trước mọi thử thách , luôn nói và làm theo nghị quyết của Đảng.

              Là người biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, biết tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân. Họ là những người có ý thức tổ chức kỷ luật, nói đi đôi với làm, luôn gương mẫu, tiên phong, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có ý thức phê bình và tự phê bình, tác phong giản dị, lối sống trong sạch, lành mạnh. Trong cuộc sống gia đình, họ là những người biết chăm sóc, bảo vệ gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình .

              Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn được biểu hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ theo cương vị chức trách được phân công, giữ gìn kỷ luật; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Họ là những người luôn vì Đảng, vì Nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc: luôn dùng tự phê bình và phê bình để rèn luyện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ đồng chí, đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ chung .

              Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Không vượt qua chính mình, không chiến thắng được giặc trong lòng thì không thể có đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh viết: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Người cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời chứ không chỉ trong nhất thời , tư tưởng phải kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không lay động trước những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Học tập và rèn luyện suốt đời đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên dù là trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước.

              Người cán bộ, đảng viên phải có tính tiên phong, gương mẫu, nêu gương về đạo đức, nói thì phải làm, nói đi đôi với làm. Đạo làm gương là một nét đẹp của văn hóa phương Đông. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tiễn nhưng điều quan trọng nhất về mặt đạo đức là phải lấy hiệu quả làm thước đo. Luôn gương mẫu, làm gương để quần chúng Nhân dân noi theo cũng như tin tưởng, yêu mến người cán bộ, đảng viên. Dân ta có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nghĩa là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong, đặc biệt là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chính quyền luôn giữ vai trò quan trọng, then chốt trong việc nêu gương, tiên phong. Nếu muốn cấp dưới và Nhân dân tin tưởng noi theo thì mình cần phải là tấm gương mẫu mực để mọi người noi theo. Ngược lại, nếu mình không thể làm gương hay là những tấm gương xa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và cao hơn nữa là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong lòng Nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu và là gương tốt để mọi người noi theo, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên giữ tám chức vụ then chốt, những người gần dân, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân phải luôn tạo niềm tin cho Nhân dân.

              Theo Người, người cán bộ có đạo đức nhưng lại phải có tài. Trên nền tảng đạo đức là gốc, người cán bộ, đảng viên phải có năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương , chính sách của Đảng và Chính phủ, bao gồm cả năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có được những năng lực đó, người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học tập lý luận Mác - Lênin , sau đó phải chịu khó lăn lộn trong thực tiễn. Bởi vì theo Người, lý luận luôn được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Năng lực lãnh đạo của người cán bộ, xét đến cùng là năng lực phục vụ Nhân dân, đem lại lợi ích vật chất và tinh thần tốt nhất cho Nhân dân. Muốn được như vậy, cán bộ phải có năng lực học dân chúng hỏi dân chúng, hiểu dân chúng. Theo Hồ Chí Minh, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

              Ngoài ra, người cán bộ còn phải có tác phong làm việc khoa học. Tác phong khoa học đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải cụ thể, kịp thời, phải thiết thực, có trọng điểm và có điển hình. Phải loại bỏ căn bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái, chống bệnh hình thức, chỉ chú trọng hình thức bề ngoài mà quên đi cốt lõi bên trong, chống cách làm việc theo lối ngôi một nơi chỉ tay năm ngón”, không chịu đi thực tế địa phương để nắm bắt tình hình, không lấy kết quả chăm lo đời sống Nhân dân làm thước đo. Theo lời dạy của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức sâu sắc răng sau mỗi công việc cần phải rút ra kinh nghiệm: kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức, kinh nghiệm cá nhân, ngành, địa phương, kinh nghiệm thành công, thất bại và những kinh nghiệm này cần được chia sẻ để các ngành, địa phương học hỏi những kinh nghiệm hay và tránh những kinh nghiệm không hay.

              Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng : “Với tất cả sự khiêm tốn , chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực , vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay Cùng với đó, công tác cán bộ luôn được đề cao: “ đội ngũ cán bộ , đảng viên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ... Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, xây dựng bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định mới về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ các cấp, gắn liền với tiêu chuẩn, chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn. Những cán bộ được điều động, luân chuyển cơ bản phù hợp, đáp ứng với yêu cầu được giao và khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý bằng những kết quả cụ thể...

              “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước  phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”. Đây là mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra và để thực hiện được điều này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ , đảng viên có đạo đức cách mạng , bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ, đây là nhiệm vụ then chốt của then chốt trong giai đoạn hiện nay. Và nếu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo đúng tư tưởng của Hồ Chí Minh thì mục tiêu và khát vọng đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà Đảng đã đề ra tại Đại hội lần thứ XIII nhất định sẽ thành công./.

                                                                           Phan Văn Tấn     

                                                             Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh

 

CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
1 2 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 143
  • Trong tuần: 31 813
  • Tất cả: 3797178

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TRÀ VINH
- Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Nhi.
- Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh.
- Địa chỉ: Số 09 đường Lê Thánh Tôn, Phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.221.0390
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử thành phố Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang