Trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Trà Vinh, thực trạng và giải pháp
Thành phố Trà Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Trà Vinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị được triển khai, hệ thống giao thông đường bộ được kết nối với nhiều tỉnh bạn như: tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh…, trong số các huyện, thị xã, thành phố thì thành phố Trà Vinh là trung tâm cửa ngõ của tỉnh, là tuyến giao thông chính, là huyết mạch quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa giữa thành phố Trà Vinh và các huyện lân cận. Đó cũng chính là nguyên nhân kéo theo lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, số vụ tai nạn giao thông cũng vì thế có xu hướng gia tăng.

Tuyến đường giao thông trên địa bàn TPTV

         Thành phố Trà Vinh có diện tích tự nhiên khoảng 6.803,5 ha, nằm tiếp giáp với các huyện Càng Long, Châu Thành và sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Bến Tre. Về địa giới hành chính gồm có 9 phường và 01 xã,  dân số khoảng 159.341 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 73,62%, dân tộc Khmer chiếm 19,96%, dân tộc Hoa chiếm 6,22%, dân tộc khác chiếm 0,2%. Ngày 05/02/2016 thành phố Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh. Với vị thế đó, thành phố Trà Vinh là nơi tập trung nhiều cơ quan, ban, ngành tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học đóng trên địa bàn; là nơi tập trung nhiều khu vui chơi, giải trí; là nơi diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động mang tính chất quy mô, tập trung một lượng lớn người tham gia... Toàn thành phố Trà Vinh hiện tại khoảng 60 tuyến đường nội thành đã đặt tên đường; khu vực ngoại thành có 08 tuyến đường lớn. Với 03 tuyến Quốc lộ đi qua (Quốc lộ 53, 54, 60), thành phố Trà Vinh còn là đầu mối giao thông quan trọng nối liền các huyện, các tỉnh liền kề, là nơi trung chuyển một lượng hành khách không nhỏ từ địa phương đi nơi khác và ngược lại. Do đó, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ luôn được ngành chức năng quan tâm chỉ đạo.

         Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Trà Vinh tổ chức tuần tra kiểm soát khoảng 1.632 cuộc có 8.557 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Phát hiện 6.027 trường hợp vi phạm; tạm giữ 2.906 xe, 2.521 giấy tờ xe các loại; xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn 809 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản (phạt tại chổ) 849 trường hợp với tổng số tiền là 116,9 triệu đồng.

         Tình hình tai nạn giao thông tuy được các ngành, các cấp quan tâm, thế nhưng tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Trà Vinh trong năm 2020 vẫn còn diễn biến phức tạp. Toàn thành phố xảy ra 27 vụ, làm 11 người chết, 39 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 80 triệu đồng. Qua đó nhận thấy các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Trà Vinh, cho thấy nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên là do ý thức của người tham gia giao thông, cụ thể vi phạm các lỗi như: Sử dụng rượu (bia) quá nồng độ quy định; tránh vượt sai qui định; chở quá số người qui định. Thời gian xảy ra tai nạn thường từ 18 giờ đến 23 giờ đêm; đối tượng gây tai nạn giao thông có tuổi đời rất trẻ 18 đến dưới 40 tuổi, thâm  chí có những vụ đối tượng còn ở tuổi vị thành niên. Đối tượng gây tai nạn giao thông phần lớn là do người từ địa phương khác đến địa bàn thành phố gây tai nạn chiếm tỉ lệ trên 70%. Từ đó cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Trà Vinh từng lúc còn diễn biến phức tạp.

         * Một số giải pháp cơ bản nhằm làm giảm vi phạm và tai nạn giao thông đường bộ tại thành phố Trà Vinh trong thời gian tới

         Xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở. Cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

          Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

         Tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là những quy định về trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông; nâng cao mức phạt, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu xe, tạm giữ phương tiện), đảm bảo đủ mức cưỡng chế, răn đe; rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông; xử phạt bằng hình ảnh ghi nhận vi phạm trật tự an toàn giao thông; thay đổi việc thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông về cơ quan, nơi cư trú bằng hình thức đăng tải trên báo, đài. Xử lý nghiêm những trường hợp lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức can thiệp việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. 

         Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông nghiêm túc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình và kế hoạch của Đảng, Chính phủ và của Bộ Công an về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đây là những chủ trương lớn, là phương châm, nguyên tắc quan trọng để định hướng cho lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ chính trị của mình, lực lượng Cảnh sát giao thông bám sát những nội dung cụ thể được đề cập trong các văn bản trên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi.

         Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

         Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông; các cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố và Đảng ủy, UBND các phường, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trong Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Đảng lãnh đạo công tác quản lý hành chính nhà nước về trật tự an toàn giao thông  bằng cách đề ra các chủ trương, Nghị quyết, phương hướng nhiệm vụ để thực hiện công tác trong từng giai đoan cụ thể. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho đảng viên, kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời xử lý đảng viên vi phạm, cũng như phát huy tính tích cực của đảng viên trong vận động gia đình, người thân và những người xung quanh nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ; coi đây là một trong các tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tư cách đảng viên. Các cấp ủy Đảng phải cân nhắc, lựa chọn để bố trí cán bộ làm công tác quản lý hành chính nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để làm tốt công tác giáo dục tư tưởng; chú ý phát hiện những biểu hiện tiêu cực để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý.

         Các tổ chức đảng trong các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông, để nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân; tổ chức lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực chuyên môn được giao. Đồng thời, các cấp ủy Đảng cũng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện pháp luật, kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn giao thông. Phân công rõ chức trách, nhiệm vụ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ; xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đối với đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

         Ba là, nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

         Cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông tại địa bàn thành phố Trà Vinh hiện nay đã được tăng cường về lực lượng. Tuy nhiên nhiều cán bộ, chiến sỹ chưa qua đào tạo chuyên ngành Cảnh sát giao thông nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ không tránh khỏi những sai sót, ít nhiều cũng làm giảm lòng tin trong Nhân dân và tác động không nhỏ đến ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Do đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt công công tác quản lý hành chính nhà nước về trật tự an toàn giao thông là một yêu cầu cần thiết vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Việc bố trí cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, cán bộ tuyên truyền kiêm nhiệm nhiều công việc khác như tuần tra kiểm soát, điều tra tai nạn, cho nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

         Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giữ gìn trật tự giao thông, đặc biệt là cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, để họ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hết tài năng, trí tuệ của mình trong công việc.

         Bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực vào thực hiện công tác quản lý hành chính nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện việc luân chuyển, điều động sao cho phù hợp với sở trường công tác của từng người, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của từng đồng chí trên từng lĩnh vực công tác. Đồng thời, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cán bộ làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: về lễ tiết tác phong, đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ Nhân dân, nhằm phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa; từng bước củng cố lòng tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ ta, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

         Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để người tham gia giao thông có ý thức khi tham gia giao thông

         Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông cả về chiều rộng và chiều sâu, nội dung tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với mọi đối tượng tham gia giao thông để nhân dân hiểu, đồng thuận ủng hộ và tham gia tích cực thực hiện các giải pháp mạnh, đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nếp sống “văn hoá giao thông”. Đi đôi với biểu dương, phổ biến kinh nghiệm tập thể, cá nhân điển hình tốt trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần phân tích, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong trường học, gia đình, tập trung tuyên truyền cho công nhân ở khu công nghiệp, các phường có đông đồng bào dân tộc, học sinh, sinh viên ở các trường học; đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.

         Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số ngành và một số phường, xã hiện nay còn bị động, các ngành và các địa phương chưa hiểu hết trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên mà chỉ tập trung tuyên truyền vào các đợt cao điểm, trong tuyên truyền hầu hết các nội dung liên quan đến phòng chống tội phạm, ít có địa phương nào quan tâm đến công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Vì vậy trong thời gian tới đối với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Trà Vinh cần phải có biện pháp kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, ban lãnh đạo Công an thành phố phân công cán bộ tuần tra kiểm soát phụ trách địa bàn phối hợp với lực lượng cơ sở  đặc biệt là lực lượng Cảnh sát khu vực lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các buổi phát động phong trào tại địa bàn mình quản lý, trong các buổi sinh hoạt lệ chi bộ khóm, ấp khi có Cảnh sát khu vực tham gia từ đó từng đảng viên trong chi bộ khóm, ấp nhận thức được hiểm họa của tai nạn giao thông và có trách nhiệm giáo dục các thành viên trong gia đình mình và nhân dân xung quanh nơi cư trú.

         Năm là, thường xuyên coi trọng việc xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông

         Việc lực lượng Cảnh sát giao thông ở một số địa phương lợi dụng tiêu cực, nhận tiền của lái xe trong khi làm nhiệm vụ đã làm giảm uy tín của lực lượng Công an nhân dân và hiệu lực thực thi pháp luật. Bộ Công an đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp phòng ngừa như đề án: “Tổ chức phòng ngừa sai phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát giao thông”; quy định “3 xây, 3 chống” trong lực lượng Cảnh sát giao thông; quy định xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ có sai phạm và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy.

         Cần kết hợp triển khai chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”; lấy đơn vị Cảnh sát giao thông là đơn vị kiểu mẫu về “chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, mỗi ngày làm một việc tốt, vì nhân dân phục vụ”.Triển khai tổ chức kiểm tra, trong đó có kiểm tra đặc biệt để phát hiện sai phạm, tiêu cực; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia xây dựng, giám sát, phát hiện sai phạm, xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông. Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ảnh tiêu cực, tham nhũng của Cảnh sát giao thông qua đường dây nóng.

         Sáu là, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên địa bàn

         Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”. Tập trung xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường (thường gọi là hành vi phóng nhanh, vượt ẩu) và các hành vi khác như không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định khi điều khiển phương tiện;  điều khiển môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm...

         Bảy là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng

         Công tác bảo đảm và giữ gìn trật tự an toàn giao thông là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Để hoàn thành sự nghiệp đó cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân. Do đó, đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an, Quân sự với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý hành chính nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác phối hợp với các phòng nghiệp vụ công an tỉnh, thanh tra giao thông, tuần tra kiểm soát các tuyến ra vào thành phố, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải theo hướng lập lại trật tự đô thị và từng bước hiện đại hóa.

         Phối hợp Công an phường, xã nắm lại các đối tượng thường xuyên tụ tập về đêm điều khiển xe mô tô với tốc độ cao cho cam kết không tái phạm. Mời các chủ cơ sở sửa xe cho cam kết không binh xe, độ xe; các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, cho cam kết phải giáo dục đội ngũ lái xe chạy phải đảm bảo thời gian và tốc độ theo quy định. Nhất là qua các tuyến đường giao nhau ngã 3, ngã 4 phải giảm tốc độ tối thiểu đến mức thấp nhất để đảm bảo an toàn. Phối hợp phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân xã, phường thực hiện tốt kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố lập lại trật tự đô thị. Các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức tốt các mặt công tác trên lĩnh vực này, cụ thể: Thường xuyên tổ chức rà soát các quy định của pháp luật không còn phù hợp, để đề xuất bổ sung, sửa đổi; xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật giao thông đến quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố.

         Lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với phòng Quản lý đô thị thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống biển báo giao thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện bất cập đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý.

         Tóm lại: Quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vi phạm và tai nạn giao thông là vấn đề luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Từ việc nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng trên, Đảng bộ, chính quyền thành phố Trà Vinh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác này. Trên cơ sở đó các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác phù hợp trên lĩnh vực của ngành mình. Từ đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Trà Vinh từng bước đi vào ổn định. /.

                                                                                                                                           Thực hiện: Ths Trần Việt Nhân

                                                                                                   Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 41
  • Trong tuần: 3 557
  • Tất cả: 3831320

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TRÀ VINH
- Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Nhi.
- Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh.
- Địa chỉ: Số 09 đường Lê Thánh Tôn, Phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.221.0390
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử thành phố Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang