Di tích kiến trúc lưu cừ II
Lượt xem: 8357

Phế tích kiến trúc Lưu Cừ II tọa lạc tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 40 km về hướng tây nam và cách thị trấn Trà Cú 7 km về hướng tây.

 

 

Di chỉ này là một phế tích kiến trúc tôn giáo Bà La Môn, thuộc Văn hóa Óc Eo, được xây dựng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên và tồn tại trong một thời gian dài của Vương quốc Phù Nam. Di chỉ được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành từ tháng 12/1986 đến tháng 02/1987. Năm 1990, Phế tích kiến trúc Lưu Cừ II được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích khảo cổ học.

Qua hơn 3 tháng khai quật được tiến hành một cách khoa học, nghiêm cẩn và tỉ mỉ đã làm phát lộ một công trình kiến trúc cổ được xây dựng theo bố cục hình chữ nhật đồ sộ, diện tích lên đến hơn 530 m2, chiều dài 31,2 m theo hướng đông tây, chiều rộng 17,2 m theo hướng bắc nam. Mặt tiền ở hướng đông có xây nền bậc tam cấp lên xuống; các mặt nam, bắc, tây có vách tường xây cao và đường hành lang lát gạch bao quanh phía trong. Khu trung tâm của kiến trúc được xây thành 16 ô hình gần vuông nằm song song cách đều nhau, bao quanh ô trung tâm hình chữ nhật có kích thước tương đối nhỏ. Trong ô hình chữ nhật này có một hình trụ tròn đường kính 1,65 m, được xây bằng gạch nằm ở vị trí chính tâm của toàn bộ kiến trúc. Với một số di vật thu được qua quá trình khai quật như Linga, Yoni, bông cài mũ bằng vàng… đã khẳng định phế tích này vốn là ngôi đền Bà la môn đồ sộ – nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo của một lượng cư dân tương đối đông đúc trên các con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay.

Quanh tòa kiến trúc là bức tường gạch được xây dựng một cách cân đối, hài hòa. Ở hai mặt nam và bắc được bố trí những trụ tròn giống nhau và cách đều nhau. Mặt tiền ở phía đông có vách tường được xây gấp khúc 6 lần; ở khoảng giữa là bậc tam cấp lên xuống đều đặn rộng 3,6 m, chính là lối lên để tín đồ đi vào khu vực trung tâm để tiến hành các nghi thức tôn giáo trên một nền gạch cao có diện tích 3 x 3 m và các hành lang chung quanh. Các vách tường phía bắc, tây và nam được xây thẳng dài, xen lẫn những chỗ gấp khúc nhỏ tạo nên 12 góc vuông tại vị trí các trụ tròn với 13 rìa cạnh lồi lõm, ngay ngắn theo hàng gạch từ trên xuống. Các trụ gạch hình tròn này mang các hoa văn hình kỹ hà, hổ phù và những bông hoa bốn cánh, được thiết kế để bố trí các pho tượng thờ hoặc vật thờ to lớn theo tín ngưỡng Bà la môn.

Nhìn chung, ngôi Đền được xây dựng với trình độ kỹ thuật khá cao. Đặc biệt, mặt ngoài của tường kiến trúc được được gia công cẩn thận, tạo hình phẳng, góc cạnh đều đặn, đẹp và uy nghi. Nguyên liệu chính để xây là gạch màu đỏ hoặc đỏ nhạt, kích thước 25×16 cm được liên kết nhau bằng một chất kết dính mà ngày nay vẫn chưa tìm ra công thức, có tác dụng như keo dán. Ngoài ra, còn có một số viên gạch khuyết có dạng một vai hoặc hai vai có trang trí hoa văn để xây các góc cạnh tường và gờ cột. Toàn bộ kiến trúc không có mái ngói cũng không tìm thấy các di vật biểu hiện có cột kèo, mái che… Đây là dạng đặc biệt khá phổ biến trong các kiến trúc đền đài tôn giáo Bà la môn thuộc văn hóa Óc Eo đã được khám phá.

Từ chất liệu kiến trúc, phong cách nghệ thuật, di vật thu được hiện đang bào quản tại Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh và qua phương pháp đồng vị phóng xạ C.14 đã xác định được ngôi Đền này trải qua hai giai đoạn kiến tạo và tồn tại sớm muộn khác nhau. Giai đoạn đầu là phần trung tâm của ngôi Đền được xây dựng khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Giai đoạn sau là sự kế thừa ngôi Đền đã có và phần mở rộng được xây dựng khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Tương ứng thời gian này trên vùng hạ lưu sông Cửu Long là thời kỳ hình thành và phát triển nền văn hóa cổ nổi tiếng – Văn hóa Óc Eo.

Di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II là một chứng tích lịch sử về sự tồn tại của một quần cư khá đông đúc trên những con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, cộng đồng cư dân này đã sở hữu cuộc sống khá sung túc và trình độ kiến trúc, mỹ thuật độc đáo đủ sức xây dựng, duy trì hoạt động ngôi Đền đồ sộ, uy nghị này trong một thời gian dài.

Ngày nay, di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền, nhân dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú bảo quản, hạn chế tối đa sự xuống cấp theo thời gian. Đây là một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên các chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, văn hóa cổ và nhiều chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn khác đến nghiên cứu, tìm hiểu; đồng thời, di tích này cũng là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút đông đảo du khách gần xa.