Đình Long Đức
Lượt xem: 3915
   

 

Đình Long Đức hay còn gọi là Thành Hoàng Miếu tọa lạc tại số 08 đường Phạm Hồng Thái, khóm 3, phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi đình có kiểu dáng kiến trúc tiêu biểu của đình làng Nam Bộ, được xây dựng vào khoảng thập niên 20 – 30 thế kỷ XIX. Hiện tại ngôi đình vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc để du khách đến tham quan, nghiên cứu.

 
Buổi đầu đình được làm đơn sơ bằng cây lá, đến ngày 22 tháng 3 năm Kỷ Mão (1939), ông Võ Quốc Xuân (Tổng sự) cùng Ban hương chức tiến hành xây dựng lại ngôi đình, sau đôi lần trùng tu nhỏ như năm 1980 sơn lại đình, 2008 sửa chữa mái ngói và lát lại nền nhà vỏ ca, năm 2019 sơn và sửa chữa mái đồng thời lát lại nền chánh tẩm, từ đó đến nay đình Long Đức vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, trang nghiêm và cổ kính. 

 

 

Hiện tại trong đình còn lưu một sắc thần thời Khải Định (1917). Đình thờ chính là Thành Hoàng Bổn Cảnh, giai đoạn sau phối tự Trần Trung Tiên, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tứ Đại Thiên Vương, Bạch Mã Thái Giám, Thần Tài Thổ địa, Cậu Tài Cậu Quí, Neak Tà, Anh hùng liệt sĩ.

Kiến trúc đình xây dựng theo kiểu nhà sắp đọi, mặt quay về hướng Bắc. Vỏ ca và chánh tẩm đều được xây dựng theo kiểu nhà xiêng trính (nhà rường), mái lợp ngói âm dương tiểu đại; cột cái, cột hàng nhì, cột hàng ba và các bộ phận kết cấu khung sườn như: trính, xiêng, kèo, đòn tay, rui, mè làm bằng gỗ.

 

Nhà vỏ ca gồm 03 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa và 02 cửa ở hành lang hai bên. Vách trước trang trí các bức tranh đề tài liên áp (sen vịt), hoa điểu (hoa chim), song long tranh châu, trên có dòng chữ Thành Hoàng Miếu đắp nổi trên tường khảm sành màu men chủ đạo xanh nhạt và trắng.

Trong chánh tẩm, gian giữa là bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, gian tả thờ Tiền Hiền và Tả Ban, gian hữu thờ Hậu Hiền và Hữu Ban. Phần hậu tẩm sử dụng làm nơi thờ tự các vị Tiền Vãng. Ngoài ra, trước đây hai bên ngôi đình còn có hai dãy nhà tả vu, hữu vu (đông lang, tây lang).

Nội thất của Đình nổi bật với nhiều bản điêu khắc, phù điêu, tranh vẽ, các bao lam gỗ, hoành phi, liễn đối, bàn thờ, tủ thờ, khánh thờ bằng gỗ được sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh vi sắc sảo với các đề tài tứ linh, song long tranh châu, hoa lá, dơi, điểu, bát tiên vừa trang nghiêm vừa hài hòa, tượng trưng cho âm dương hòa hợp và cầu mong sự thái bình, sung túc.

 

Trong chánh tẩm còn có các bức hoành phi gỗ viết chữ vàng trên nền sơn son như “Quốc thái dân an”, “Uy linh”, “Anh linh hiển hách”, “Thần Ân Hạo đãng”, “Cảm ứng”… và đôi quy hạc bằng gỗ biểu trưng cho sự trường tồn bền vững và vĩnh cửu. Các cột gỗ đều có các tấm liễn đối áp cột bằng gỗ chạm khắc đề tài tứ linh sơn son thiếp vàng, các bức tranh vẽ đề tài trúc tước và trúc mai biểu ý cho sự thăng tiếng và tiết tháo của người quân tử.

Qua kết cấu kiến trúc, cách thức xếp đặt các ngai thờ, kỹ thuật chạm khắc, các màu sắc và hoa văn trang trí đình Long Đức thể hiện tài hoa và sự tinh tế của người xưa. Từ những giá trị nghệ thuật tiêu biểu đó, ngày 29/06/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đình Long Đức là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Nằm ở trung tâm thành phố Trà Vinh, chỉ cách chợ Trà Vinh khoảng 400m về hướng Tây, Đình Long Đức là điểm đến lý tưởng mà du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến vùng đất Trà Vinh. Đặc biệt du lịch Trà Vinh đúng vào dịp tháng 3 âm lịch, bạn sẽ được trải nghiệm Lễ hội Kỳ Yên tại đình Long Đức, nhớ về cội nguồn dân tộc qua bao tháng năm thăng trầm, tìm hiểu về văn hóa vùng miền và hòa mình vào không khí rộn ràng ngày lễ hội cùng người dân địa phương. Cùng bà con cầu mong  mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Nguồn: TTTTXTDL Trà Vinh