Di tích đình Phước Lộc
Lượt xem: 4742

Đình Phước Lộc tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ngôi đình được xây dựng trên một giồng cát cách trung tâm huyện Duyên Hải khoảng 1km về hướng bắc, cách thành phố Trà Vinh khoảng 53 km về hướng đông.

Đình Phước Lộc được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX rất quy mô và hoàn chỉnh một thiết chế của đình làng Nam Bộ. Ngay từ những năm này, các phong trào yêu nước chống Pháp trong đó có phong trào Thiên Địa Hội hoạt động mạnh mẽ đã thu hút nhiều người dân tham gia tấn công địch cướp chính quyền địch, tham gia diệt trừ những tên cường hào ác bá, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, vận động chống bắt lính...trong đó có bà con đình Phước Lộc đã tập họp và hình thành một lực lượng quần chúng đông đảo có tổ chức góp phần đáng kể cho sự nghiệp kháng chiến.

Tháng 3/1945, Chi bộ Đảng xã Long Toàn được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Cho làm Bí thư. Sự ra đời của Chi bộ càng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân trong đó có bà con đình Phước Lộc trong những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám. Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Trà Vinh ra đời và hoạt động sôi nổi. Ban lãnh đạo tổ chức này được gọi là Tỉnh bộ Thanh niên Tiền phong Trà Vinh. Sau đó tổ chức Thanh niên Cứu quốc do Mặt trận Việt Minh lập ra cũng được bố trí làm nồng cốt trong Thanh niên Tiền phong. Lợi dụng tính hợp pháp, công khai, Thanh niên Tiền phong tổ chức móc nối, xâm nhập vào hàng ngũ binh lính địch để làm công tác binh địch vận, tập võ nghệ và chiến thuật quân sự. Đây là tổ chức công khai hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và đã thu hút mạnh mẽ quần chúng. Tại đình Phước Lộc ông Tám Chấn tổ chức dạy võ cho các Thanh niên Tiền phong. Tiêu biểu những người trong hội đình tham gia Thanh niên Tiền phong có: ông Nguyễn Văn Rõ, Trần Văn Trợt, Trần Văn Lượm, Nguyễn Duy Truyền, Trần Văn Hưởng, Nguyễn Văn Điểm... Mọi người sử dụng tầm vông vạt nhọn, gươm, mã tấu... luyện tập hăng sai, sẵn sàng chờ đợi thời cơ. Lệnh Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 được ban bố trong cả nước, Tỉnh ủy Trà Vinh gấp rút mở hội nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa, nhanh chóng xây dựng kế hoạch và phát động nhân dân đội ngũ chỉnh tề khi có lệnh bao vây cướp chính quyền địch. Tại Long Toàn khí thế khởi nghĩa cướp chính quyền trong nhân dân dâng lên sôi sục. Chi bộ phân công các đồng chí đi vận động nhân dân và quan hệ với Thanh niên Tiền phong tạo thêm thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 25/8/1945, ở Trà Vinh lực lượng khởi nghĩa cướp chính quyền thân Nhật từ tay Đốc phủ Thìn. Ở Long Toàn, Chi bộ xã khéo léo lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong trong đó có những người con đã luyện tập tại đình Phước Lộc cùng quần chúng nhân dân tham gia cướp chính quyền tề xã và quận Ba Động. Tại xã nhà bọn địch đầu hàng nhanh chóng, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền của nhân dân. Chi bộ Đảng xã Long Toàn mở văn phòng hoạt động công khai tại xã, giương cao cờ đỏ sao vàng. 

Cách mạng Tháng tám thắng lợi chưa được bao lâu, ngày 23/09/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Ta tổ chức phục kích đánh quyết liệt gây cho địch một số thiệt hại. Đầu năm 1946, chúng chiếm được thị xã Trà Vinh, để bảo tồn ta đã rút lui và phân tán lực lượng. Tỉnh ủy và lực lượng Cộng hòa vệ binh rút về Long Toàn bám trụ chỉ đạo kháng Pháp. Tại Long Toàn mặc dù vũ khí lúc bấy giờ chỉ là gậy gộc, tầm vông vạt nhọn nhưng bà con của đình Phước Lộc cùng nhân dân trong huyện rầm rộ kéo ra lộ Láng Chim, lộ Cây Me, lộ Cù Nèo biển Ba Động, Vàm Láng Nước ngăn tàu Pháp đổ bộ. Mặc dù dấp phải sự chống trả quyết liệt nhưng với sức mạnh vượt trội về vũ khí, nên đến cuối tháng 2/1946 Pháp đã chiếm đóng được các xã của Cầu Ngang trong đó có xã Long Toàn.

 Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh bà con đình Phước Lộc cùng nhân dân Long Toàn nổi dậy rào chặn, đắp ụ chiến đấu, bao vây cô lập địch, buộc các đồn bót địch phải rút chạy, xã nhà được giải phóng vào tháng 3/1947. Sau khi được giải phóng, song song với việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức Mặt trận Việt Minh của xã được xây dựng lớn mạnh. Đoàn Thanh niên Cứu quốc tăng cường công tác bố phòng, luyện tập quân sự sẵn sàng đánh địch bảo vệ vùng giải phóng. Các cơ quan của tỉnh tập trung về đóng ở các xã trong huyện, xây dựng căn cứ huấn luyện và giúp dân phát triển kinh tế. Đình Phước Lộc giai đoạn này là trụ sở đóng quân của Mặt trận Việt Minh, Công an huyện, tỉnh và là nơi tạm giam những tên phản động để cách mạng giáo huấn trở về với nhân dân. Trong khuôn viên đình nhiều hầm tránh đạn được đào để cán bộ ta trú ẩn khi địch bắn phá. Tháng 12/1950, thực dân Pháp ở Đông Dương được Mỹ ký hiệp định chính thức viện trợ quân sự. Đầu năm 1951, quân Pháp ồ ạt đánh chiếm lại nhiều vùng ở Trà Vinh. Mặt trận đánh địch chống lấn chiếm đóng đồn ở các xã trong huyện Duyên Hải diễn ra quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tiêu biểu như: trận đánh chìm tàu thập ác giết hàng chục lính của Léon Leroy trên sông Láng Chim, trận đánh chìm một tàu sà lan chở lính trên sông Long Toàn diệt 10 tên... Cay cú với thất bại, cuối tháng 5/1951, Pháp một mặt cho tàu chiến bắn phá, một mặt vùng máy bay Đakota ném bom xuống vùng Long Toàn, Long Vĩnh. Trong đợt bắn phá, ném bom này, đình Phước Lộc đã bị bom địch đánh sập hoàn toàn. Sau đó bà con đã cùng nhau làm lại ngôi đình bằng tre lá tiếp tục thờ cúng.

 Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Phước Lộc không chỉ là nơi đóng quân trong đó có Tiểu đoàn 308 của ta để đối phó với địch, mà còn là một trong những địa điểm biểu diễn văn nghệ ca ngợi tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả của đồng bào chiến sĩ, góp phần tích cực xây dựng một đội ngũ chính trị làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng. 

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc địch bắt đầu đánh phá cơ sở cách mạng, trả thù những người kháng chiến cũ. Mặc dù từ năm 1954 - 1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến, cưỡng bức người dân ly khai kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ trong đó có những người trong hội đình Phước Lộc.

 Hưởng ứng phong trào Đồng khởi giữa đêm 14/9/1960, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tất- Bí thư Chi bộ xã Long Toàn, bà con của đình Phước Lộc cùng du kích và nhân dân trong xã đã nhất tề nổi dậy. Đình Phước Lộc cũng là một trong những địa điểm tập trung bà con do ông Chín Cồ, ông Ba Chọp chỉ đạo để xuất phát tuần hành. Mọi người sử dụng trống mõ, súng giả và những đồ dùng sẵn có trong nhà như thùng thiếc, soong nồi đánh liên hồi, hò reo tạo thành khí thế cách mạng hào hùng quanh quận lỵ, làm cho bọn địch không dám rời chi khu can diện mà phải cố thủ. Xã Long Toàn tuy chưa được giải phóng nhưng đã làm tốt nhiệm vụ cầm chân địch hỗ trợ tích cực cho phong trào Đồng khởi toàn huyện. Phong trào đồng khởi đã làm cho bộ máy chính quyền địch ở Long Toàn bị lung lay, đưa cách mạng huyện nhà chuyển sang giai đoạn mới.

Chuyển sang giai đoạn “Chiến tranh đặc biệt” địch xem việc xây dựng lực lượng và tăng cường hoạt động vũ trang là biện pháp hàng đầu. Mở màn chiến lược Mỹ - Diệm mở hàng loạt cuộc hành quân càn quét, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta nhằm tạo ưu thế về quân sự chiếm lĩnh xã, ấp phục vụ mục tiêu bình định và quốc sách “Ấp chiến lược”. Tại Trà Vinh chính quyền Diệm gây ra biết bao tội ác và đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ bởi hơn 1.700 cuộc biểu tình đấu tranh của nhân dân với yêu sách chống bắt lính, đôn quân, chống khủng bố, chống âm mưu lập “Ấp chiến lược”. Riêng ở Long Toàn, ngày 17/3/1961 Chi bộ Đảng tổ chức lực lượng tham gia cùng đoàn biểu tình có gần 3.000 người của các huyện trong tỉnh trong đó có bà con đình Phước Lộc kéo vào tỉnh lỵ Trà Vinh đấu tranh. Địch dã man xả súng bắn chết 10 người, thế nhưng đoàn biểu tình vẫn hiên ngang tiến lên tiếp cận dinh tỉnh trưởng, buộc Phó Đốc sự Nguyễn Đình Xướng hứa chấp nhận yêu sách.

Tháng 12/1965, Huyện ủy Duyên Hải triển khai kế hoạch bao vây cụm cứ điểm quân sự địch gồm: chi khu, sân bay quân sự, quận lỵ và tề xã Long Toàn. Lực lượng sử dụng cho chiến dịch bao vây gồm có: Tiểu đoàn 501 tham gia chi diện, toàn bộ địa phương quân và du kích các xã trong huyện, gần 1.000 lực lượng dân công trực tiếp tham gia đào chiến hào, tiếp tế, tải thương phục vụ chiến dịch. Mỗi gia đình nhân dân đều đóng góp lương thực, thực phẩm và vót chông phục vụ bộ đội, du kích và dân công trực tiếp bao vây. Trong chiến dịch này, bà con đình Phước Lộc nơi cách chi khu và sân bay không xa đã tích cực đóng góp sức người, của cải như gà vịt, gạo nếp, cây cối để xả đóng hòm chôn cất khi có người hy sinh. Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi sau 38 ngày  (18/1/1966). Bọn địch phải rút chạy về Long Khánh, ta san bằng chi khu, quận lỵ, tề xã và băm nát sân bay. Sau chiến thắng đình Phước Lộc cũng là một trong những địa điểm tập trung bà con cùng tham gia mít tinh chào mừng thắng lợi được tổ chức cạnh sân bay Long Toàn. Bà con đình Phước Lộc đã góp phần vào thành tích chung của huyện “Huyện dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào bao vây đánh lấn”.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của ta đã làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị thất bại. Đế quốc Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở Long Toàn, 6 tháng đầu năm 1969 đế quốc Mỹ tiến hành 23 phi vụ ném bom trong đó có hai lần máy bay B52 ném bom rải thảm. Pháo từ Hạm đội 7 trên biển, hai trận địa pháo từ Long Khánh và Cầu Ngang 44 lần bắn gần 1.000 quả đạn vào các ấp. Để đối phó với địch, giai đoạn này trong khuôn viên đình Phước Lộc nhiều hầm được ta đào đấp để trú ẩn. Năm 1970, trong một cuộc ném bom của địch ngôi đình một lần nữa bị đánh sập hoàn toàn. Sau đó bà con tiếp tục xây dựng lại ngôi đình. Những năm 1973 - 1975, nhiều thời điểm đình Phước Lộc là địa điểm đóng quân của Tiểu đoàn 501, 509 địa phương quân, của lực lượng hậu cần và là nơi chứa khí tài ta thu được của địch.

Sau ngày đất nước thống nhất, do chiến tranh tàn phá nặng nề bà con chưa có điều kiện trùng tu lại ngôi đình. Đến năm 2011, theo nguyện vọng và sự đóng góp kinh phí của bà con, chánh tẩm ngôi đình đã được xây dựng, vừa thờ tự đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa  phục vụ lễ hội. 

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà con đình Phước Lộc đã nuôi chứa, bảo vệ và đóng góp tài lực cho cách mạng. Nhiều người con của hội đình đã tham gia lực lượng cách mạng giải phóng quê hương, tiêu biểu như: ông Trần Văn Ngươn, Nguyễn Văn Khuyên, Trần Văn Minh, Dương Văn Khẹt, Dương Văn Khoan, Dương Văn Kỳ, Võ Văn Niên, Nguyễn Văn Rõ, Huỳnh Văn Hoa... Đình Phước Lộc đã đóng góp một phần đáng kể cho danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Long Toàn nói riêng và huyện Duyên Hải nói chung.

Ngày 12/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra quyết định số  1456/QĐ-UBND công nhận đình Phước Lộc là di tích lịch sử cấp tỉnh.  

                                                                               Văn Tưởng