DI TÍCH NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẦU TIÊN AN TRƯỜNG
Lượt xem: 5546
DI TÍCH NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẦU TIÊN AN TRƯỜNG

Từ thành phố Trà Vinh theo quốc lộ 53 Trà Vinh – Vĩnh Long đi đến ngã ba Mỹ Huê rẽ trái theo hương lộ 2 đi khoảng 2km sẽ gặp di tích Nơi thành lập Chi bộ đầu tiên An Trường thuộc ấp 3A, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

 Ngược dòng lịch sử những năm cuối thế kỷ XIX đầu của thế kỷ XX, dưới sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta không ngừng đứng lên phản kháng. Các phong trào yêu nước chống giặc Lang Sa (Pháp) được nhân dân An Trường - Càng Long hưởng ứng tích cực như phong trào của Lê Cẩn - Nguyễn Giao năm 1872, phong trào Đông Du (1905 – 1908), phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (3/1907 – 11/1907)...  Đặc biệt từ khi phong trào Thiên Địa Hội du nhập vào nước ta đã quy tụ đông đảo người dân tham gia. Riêng ở Càng Long Thiên Địa Hội đã thu hút người Kinh, người Hoa, người Khmer với nhiều thành phần như nông dân, tiểu thương, thợ thủ công, phu khuân vác… Hội viên Thiên Địa Hội bên cạnh các hoạt động tôn giáo cũng tổ chức các hoạt động chính trị như rèn dao, mã tấu, may cờ; tham gia các cuộc cướp chính quyền, tham gia diệt trừ những tên cường hào ác bá. Nhưng các phong trào này điều thất bại và bị đàn áp đẫm máu.
Năm 1924, sự kiện Công Hội Đỏ được đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập đã tập hợp nhiều thanh niên tham gia. Tại An Trường - Càng Long quần chúng nhân dân tích cực tham gia trong đó tiêu biểu là các đồng chí  Nguyễn Văn Lẹ, Dương Háo Học, Đoàn Văn Quý, Nguyễn Kim Tiền, Trần Thành Mậu, Nguyễn Phát Đạt, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Thị Dung, Lê Văn Bê, Nguyễn Văn Tỷ…
Khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Trung Quốc năm 1925 và sau đó Kỳ Bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam Kỳ ra đời tháng 2/1927. Lúc này đồng chí Nguyễn Phát Đạt đã bí mật liên hệ với đồng chí Đỗ Đình Thọ người của Kỳ Bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam Kỳ và đến nhà đồng chí Lê Quang Lộc ở Càng Long để tổ chức lớp học cho thanh niên An Trường đồng thời tuyển chọn những người yêu nước thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên tại An Trường vào tháng 3/1927. Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ban đầu gồm các đồng chí: Mai Đăng Khóa, Nguyễn Văn Lẹ, Dương Háo Học, Đòan Văn Quý, Nguyễn Kim Tiền, Trần Thành Mậu, Nguyễn Phát Đạt, Nguyễn Thành Thi… do đồng chí Nguyễn Phát Đạt làm bí thư Chi bộ.
Để đảm bảo cho Chi bộ hoạt động được hiệu quả, Chi bộ đã thành lập các hội công khai hợp pháp nhằm che mắt địch như: Hội đá banh, Hội tương tế, Hội nhà vàng, Hội đọc sách báo... Những thành viên trong các chi hội đã ra sức tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân ở các xã An Trường, Tân An, Mỹ Cẩm, Bình Phú và quận lỵ Càng Long nhận thức rõ những dã tâm của thực dân Pháp và giai cấp địa chủ. Các đồng chí Mai Đăng Khóa, Dương Háo Học, Nguyễn Phát Đạt đã tích cực đi tuyên truyền, vận động, chỉ trong thời gian ngắn số hội viên ở Càng Long phát triển trên 20 đồng chí. Từ Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên ở An Trường đã phát triển và nhân rộng ra nhiều Chi bộ ở Càng Long như: Chi bộ Tân An, Chi bộ Mỹ Cẩm, Chi bộ Huyền Hội, Chi bộ Phương Thạnh, Chi bộ Bình Phú.
Mùa thu năm 1928, để tiếp thu những tư tưởng cơ bản của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được sự tín nhiệm của Kỳ Bộ đồng chí Nguyễn Phát Đạt và đồng chí Nguyễn Văn Lẹ được Kỳ bộ giới thiệu đi học lớp lý luận chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy nhằm đào tạo thanh niên trong nước làm cách mạng. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Phát Đạt và đồng chí Nguyễn Văn Lẹ trở về nước tiếp tục hoạt động trong Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội An Trường.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên Đoàn. Cuối tháng 2/1930, Xứ ủy Nam Kỳ cũng ra đời do đồng chí Ngô Gia Tự làm bí thư. Sau đó các Đặc Khu ủy ở miền Tây Nam bộ cũng thành lập trong đó Đặc Khu ủy Hậu Giang do đồng chí Hà Huy Giáp làm bí thư trực tiếp chỉ đạo các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Bến Tre.
Giai đoạn này, thực dân Pháp tăng cường chính sách cai trị đã đàn áp khốc liệt các cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đứng trước tình hình ấy Xứ ủy chỉ đạo và phân công các đồng chí trong Ban chấp hành đến các tỉnh tổ chức thành lập các Chi bộ. Riêng ở Trà Vinh, Đặc Khu ủy phân công đồng chí Ung Văn Khiêm – Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ  đến An Trường tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại An Trường.
Mùa Xuân năm 1930, tại nhà đồng chí Nguyễn Phát Đạt ấp 3, xã An Trường, huyện Càng Long, dưới sự chủ trì của đồng chí Ung Văn Khiêm đã tổ chức cuộc họp gồm các đồng chí Nguyễn Phát Đạt, Đoàn Văn Quý, Lê Quang Lộc, Dương Háo Học, Mai Đăng Khóa. Cuộc họp đã đi đến quyết định chuyển các hội viên Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ An Trường trực thuộc Đặc Khu ủy Hậu Giang. Chi bộ có các đồng chí Nguyễn Phát Đạt, Đoàn Văn Quý, Lê Quang Lộc, Dương Háo Học, Mai Đăng Khóa do đồng chí Nguyễn Phát Đạt làm bí thư.
Ngôi nhà của đồng chí Nguyễn Phát Đạt nơi tổ chức cuộc họp và trở thành di tích được xây dựng theo kiểu nhà ba gian hai chái mang đặc trưng kiến trúc nhà ở dân dụng Nam bộ. Ngôi nhà có dài 12.5m, rộng 12m và cao 7m. Bao nền là những viên đá tảng kiểu da quy, nền lót gạch tàu, mái lợp ngói vảy cá. Khung sườn chịu lực ngôi nhà bằng gỗ, cột tròn được kê trên những tảng đá hình vuông. Hệ thống vì kèo theo kiểu xiên trính, vách nhà được xây tường. Toàn bộ các cửa ra vào và cửa sổ đều làm bằng bằng gỗ được thiết kế theo lối kiến trúc hình vòm. Dẫn vào nhà có hệ thống tam cấp lên xuống. Nội thất ngôi nhà gian chính được đặt bộ bàn ghế vuông bằng gỗ, nơi mà các đại biểu đã tổ chức cuộc họp thành lập Chi bộ.
Hiện tại, ngôi nhà là di tích không còn. Để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về đây học tập, sau khi Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2632/QĐ-BVHTTDL ngày 18/7/2012 công nhận di tích Nơi thành lập Chi bộ đầu tiên An Trường là di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành đang từng bước  phục hồi lại di tích.
                                                               Hoài Nam