DI TÍCH CHÙA PHNÔ SANKE THMÂY
Lượt xem: 4977
DI TÍCH CHÙA PHNÔ SANKE THMÂY

Chùa Phnô Sanke Thmây còn gọi là chùa Mé Láng tọa lạc tại khóm 5, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa được tạo lập vào năm 1902, đến nay đã trải qua 04 đời hòa thượng, sư cả trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa.

Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ ác liệt ấy, các vị sư và bà con phật tử đã đoàn kết một lòng một dạ theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa, bảo vệ những cán bộ cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm, kiên cường. Từ những năm đầu chống Pháp, do đặc thù của huyện Trà Cú là có đông đồng bào dân tộc Khmer, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, Huyện ủy chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp bám dân phát động phong trào nổi dậy đánh địch. Chủ trương này được các vị sư sãi và nhiều ngôi chùa trong huyện ủng hộ, trong đó có sư sãi, phật tử chùa Phnô Sanke Thmây tham gia.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong, quần chúng nhân dân xã Đại An và các vị sư của chùa Phnô Sanke Thmây đã dùng các loại vũ khí thô sơ như gậy gọc, tầm vông vạt nhọn, súng giả nổi dậy biểu tình thị uy rầm rộ và tiến về trung tâm xã để biểu tình buộc tề xã Đại An giao chính quyền cho cách mạng.

Giữa năm 1946, chi bộ Đại An được thành lập, đồng chí Năm Đạt là Bí thư chi bộ lúc này đã đến chùa Phnô Sanke Thmây bàn bạc với sư cả Trầm Phước Tụy chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế.

Những năm 1947 – 1954, sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi nhiều gia đình phật tử như: Hai Hựu, Tăng Thị Tạo, Hai Kim, Năm Điều tham gia hũ gạo nuôi quân, đóng góp lúa gạo cho lực lượng cách mạng. Lúa gạo được tập trung tại chính điện chùa và sau đó được các vị sư chuyển giao cho lực lượng cách mạng.

Mặc dù từ năm 1954-1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhiều gia đình phật tử không ngại khó khăn, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Riêng nhà chùa đã làm hầm bí mật trên pla-phông trần chánh điện và làm hầm dưới bàn thờ Phật trong sala chùa để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Các cán bộ được chùa nuôi chứa, bảo vệ trong giai đoạn này có Trần Lái (Ba Oai), Thạch Tua (Ba Tưa), Trần Văn Thành, Thạch Khen, Tư Dời, Cao Văn Biện, Bảy Búa, Sáu Sở,…

Nhân dịp lễ Sênê Đôlta cổ truyền của đồng bào Khmer năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy khoảng 60.000 người gồm sư sãi và nhân dân trong tỉnh xuống đường biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm,… Sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi hết tất cả vị sư đang tu tại chùa và cùng nhiều bà con phật tử mang theo nước uống, lương thực, bánh tét tham gia với số lượng gần 30 người. Lực lượng nồng cốt của chùa Phnô Sanke Thmây có sư Lâm Văn Thuối (sư cả nhì), Tăng Lữ, Kim Phên, Trịnh Sây, Dương Nhựt, Tư Dời, ông Mẹt, sư Dạnh.
Năm 1961, địch tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược. Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo cán bộ chiến sĩ phải bám trụ địa bàn, diệt ác, phá ấp chiến lược, chùa Phnô Sanke Thmây lúc này tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ các cán bộ như: Ma ha Sơn Thông, Trầm Phước Thiện, Trần Lái (Ba Oai),  Thạch Minh Mẫn, Lâm Thái Bình (Ba Bùa), Lý Văn Đường (Hai Chùa), Lưu Tấn Phát (Mười Sói), Trần Văn Vui (Năm Tình), Thạch Tua (Ba Tưa), Nguyễn Văn Trung (Hai Động), Tư Lợi, ông Dõi.
Năm 1964, địch cho phi cơ oanh kích vùng Phnô Sanke Thmây làm một số phật tử chết và bị thương. Trước tình hình này, sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi nhân dân, phật tử ở ấp Mé Láng vào chùa trú ẩn, tránh thương vong. Ngày 01/5/1964, địch cho máy bay đến ném bom, ngôi chùa bị hư hỏng nặng, 31 tượng Phật bị phá hủy, 04 ngôi nhà của phật tử gần chùa bị đổ sập, làm 2 người chết, 26 người bị thương trong đó có 9 vị sư và 6 thiếu niên.

 Sau cuộc ném bom thảm sát, ngày 06/5/1964, hàng ngàn đồng bào, phật tử dưới sự chỉ huy của chi bộ và sư cả chùa Phnô Sanke Thmây tổ chức nhiều cuộc mit-tinh, mang theo xác người chết đến tề xã, đến huyện và tỉnh đòi bòi thường tính mạng, tài sản thiệt hại, đòi chữa trị cho người bị thương và phải trừng trị bọn giết người vô tội. các cuộc biểu tình đã huy động hơn 40 ngàn lượt người, trong đó có trên 400 vị sư của các chùa Khmer trong huyện và các huyện lân cận. Riêng chùa Phnô Sanke Thmây có trên 20 vị sư và phật tử tham gia trong đó có sư cả nhì Lâm Văn Thui.

Ngày 11/5/1969, địch lại cho máy bay bỏ bom ở chùa, làm chánh điện chùa bị sụp đổ, hư hỏng 8 tượng phật, 8 phật tử chết, có 4 vị sư Lâm Đường, Lâm Prụm, sư Khlăng, sư Uội  hy sinh cùng 03 người bị thương trong đó có Thạch Ngọc Viên, hiện là sư cả chùa Mé Láng.

Ngày 30/4/1975, sau khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Huyện ủy Trà Cú chỉ đạo các xã trong huyện huy động mọi lực lượng để tiếp quản chính quyền. Chi bộ Đại An lúc này có 32 đảng viên và 40 quân du kích cùng với các vị sư, bà con phật tử chùa Phnô Sanke Thmây do đồng chí Hai Chiến chỉ huy tiếp tục làm công tác binh vận, phát loa kêu gọi các gia đình vận động chồng con đang tham gia cho địch về với nhân dân. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, xã Đại An được giải phóng.

Trong hai cuộc kháng chiến chùa Phnô Sanke Thmây đã nuôi chứa, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng của xã, huyện, tỉnh và khu Tây Nam Bộ, tiêu biểu như: Ma ha Sơn Thông, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Ủy viên Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Sắc; ông Thạch Minh Mẫn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh; Trần Lái (Ba Oai), Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận; ông Thạch Tua (Ba Tưa), Tỉnh ủy viên, Phó Ban Khmer vận; Chín Bình, Ban Binh vận tỉnh; Lưu Tấn Phát (Tám Lai, Mười Sói), Trần Văn Vui (Năm Tình), Nguyễn Văn Trung (Hai Động), Mã Biết (Tư Hòa), Trần Văn Ngẫu (Hai Đại Bàng), Tô Văn Lạc (Ba Lợi), Lâm Thái Bình (Ba Bùa), Nguyễn Phải (Hai Chiến), Châu Ngọc Son (Ba Vệ), Châu Văn Khải (Năm Hải), Trầm Phước Thiện, Tư Chơi, Sơn Lai và nhiều đồng chí khác.

Bên cạnh đó, nhà chùa và bà con phật tử đã đóng góp nhiều của cải vật chất  cho cách mạng, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của nhà chùa với các nhân tố như: Hòa thượng Trầm Phước Tụy, Hòa thượng Thạch Ngọc Viên, Kiên Phên, Trịnh Xây, Tăng Nữ, Lâm Văn Thuối, Dương Nhựt, Tư Dời.

 Chùa Phnô Sanke Thmây đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân địa phương, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Đại An (nay là xã Đại An, xã Định An và thị trấn Định An) nói riêng, của huyện Trà Cú nói chung.

Nhằm bảo tồn di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng để giới thiệu công chúng đến tham quan, học tập, ngày 13/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 1823/QĐ-UBND công nhận chùa Phnô Sanke Thmây là di tích cấp tỉnh.

                                                                                                 Văn Tưởng