Giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng
Lượt xem: 3784
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đặc xá, những năm qua, hàng chục ngàn phạm nhân đã được ra tù trước thời hạn, trở về với cộng đồng. Thế nhưng khi trở về với gia đình, địa phương, quá khứ lầm lỗi vẫn luôn ám ảnh họ. Không có sự hỗ trợ của người thân và chính quyền sở tại, họ khó có thể vượt qua. Với những người như vậy, họ rất cần điểm tựa để làm lại cuộc đời. Thời gian qua trên địa bàn thành phố Trà Vinh có rất nhiều người đã vượt qua quá khứ lầm lỗi làm lại cuộc đời trong đó có anh Thạch Mô Ni (40 tuổi), ngụ khóm 1, phường 7, thành phố Trà Vinh. Tiếp xúc với phóng viên tại căn nhà mới xây xong cách đây 2 tháng với chi phí gần 900 triệu đồng tại ấp Tân Ngại, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành bên hông một ngôi chùa Khmer rộng lớn; nơi sinh sống của gia đình 03 thế hệ, là tiệm hớt tóc của gia đình anh. Anh Mô Ni cho biết, đây là thành quả từ nhiều năm tích góp sau thời gian chấp hành án xong trở về địa phương, với 3 lần được hỗ trợ vay vốn với khoảng 35 triệu đồng từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng anh đã mở tiệm hớt tóc nhỏ. Sau khoảng 3 năm thì anh trả hết vốn vay.

Tiệm hớt tóc cũng là ngôi nhà ở mới xây xong của anh Thạch Mô Ni

Chỉ vì một phút nông nỗi mà anh đã phạm trọng tội vào năm 2011, bị kết án 10 năm tù, chấp hành án tại một Trại giam trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Do có nghề hớt tóc từ năm 15 tuổi nên khi vào chấp hành án anh đã hớt tóc cho cán bộ và phạm nhân trong trại. Nghĩ đến con, cha mẹ già và vợ, Mô Ni quyết tâm cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định tại Trại giam và đến năm 2015, nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, anh được xét đặc xá.

Sau khi đặc xá về địa phương, với lầm lỗi quá khứ anh luôn mặc cảm và xa lánh bà con, láng giềng, nhưng được sự giúp đỡ của lực lượng Công an cơ sở và chính quyền địa phương, anh được giới thiệu hỗ trợ vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Với tay nghề hớt tóc và được hỗ trợ vốn anh đã mở tiệm hớt tóc (tại khóm 1, phường 7, thành phố Trà Vinh) để hành nghề. Ban đầu khi nghe nói đến anh, ai cũng e dè, sợ sệt, nhưng với tính siêng năng, cẩn thận, lâu dần anh được mọi người tin tưởng nên tiệm hớt tóc ngày càng đông khách. Trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, anh phải thuê thêm vài thợ phụ. Nhưng nay, hai vợ chồng hỗ trợ cùng làm, cũng có đồng ra đồng vào, đủ để duy trì cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an thành phố Trà Vinh cho biết, thời gian đầu khi Mô Ni về địa phương thì gặp nhiều khó khăn, Công an phường đã phối hợp với chính quyền địa phương giúp làm lại hộ khẩu, hỗ trợ vay vốn ở mô hình tái hòa nhập cộng đồng, giúp anh vượt qua mặc cảm. Chúng tôi không coi họ là đối tượng theo dõi mà coi họ như những người anh em, hàng xóm, thường xuyên gần gũi, chia sẻ, khuyên răn để Mô Ni yên tâm làm lại cuộc đời và quyết tâm tái hòa nhập cộng đồng.

Chị Lâm Thị Tôm (vợ của anh Thạch Mô Ni) cho biết, lúc anh ấy mới về, ngay cả người thân của chị cũng tỏ thái độ xa lánh. Anh rất buồn. Chị đã động viên anh, giờ mình biết đi đâu để khỏi mặc cảm, chỉ có sửa chữa lỗi lầm ở ngay quê hương mình thôi, gia đình cũng đã động viên anh nhiều để vượt qua mặc cảm, chí thú làm ăn để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, lực lượng Công an cơ sở và chính quyền địa phương đã nỗ lực hết sức trong công tác phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan để các hoạt động, phong trào được triển khai có hiệu quả; làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để họ tự tin hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và không tái phạm tội. Cùng với đó, quan tâm thực hiện chính sách giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân nhằm giáo dục cho họ về tính nhân đạo, nhân văn và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội.

Đợt đặc xá dịp Quốc khánh năm 2022, tỉnh Trà Vinh có 5 trường hợp đủ điều kiện được xem xét đề nghị đặc xá tha tù trước thời hạn theo quy định của pháp luật, như chấp hành tốt các quy định của Cơ sở giam giữ, Trại tạm giam, thành khẩn hối cải, trung thực khai báo, tích cực ngăn chặn, chống lại các hành vi sai phạm; tự giác, gương mẫu, tích cực lao động, hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao; tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập, phấn đấu tiến bộ…  Dịp này, Công an tỉnh còn phối hợp với Trại giam Bến Giá (Bộ Công an) và các Trại tạm giam ở các tỉnh tiếp nhận 30 trường hợp, bàn giao Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được đặc xá trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phạm Hơn – Khắc Hải

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image