Sức bật dân vận trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Lượt xem: 790
Nông dân được đầu tư vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và tăng thu nhập,… Đó là những ưu điểm nổi bật khi tham gia tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành. Để chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa truyền thống sang hướng hữu cơ thân thiện môi trường thì không thể không kể đến công tác dân vận – “đòn bẩy” hữu hiệu giúp kinh tế phát triển, đặc biệt là tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.  

Tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ áp dụng công nghệ phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái

Gia đình ông Nguyễn Văn Cam, ấp Ngãi Lợi trồng 12 công lúa ST-25 theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ. Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất và thời tiết thuận lợi nên lúa năm nay phát triển tốt, giá lúa được khá cao 7.200 đồng/kg nên kinh tế gia đình phát triển hơn trước. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi vụ đạt lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/công.

Ông Nguyễn Văn Cam nói: Trước đây mình làm theo hướng truyền thống, sử dụng phân hóa học nhiều, sâu bệnh cũng nhiều. Hiện nay, được Hội nông dân và chính quyền địa phương tuyên truyền, nông dân đồng thuận sản xuất hướng sạch, hiệu quả, bao tiêu được đầu ra, nâng cao giá trị. HTX có làm mã vùng để chuyển hướng làm lúa sạch, giúp bà tiêu thụ tốt hơn.

Cùng ngụ ấp Ngãi Lợi, theo ông Võ Văn Chính: trồng lúa hữu cơ phải tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng những loại phân, thuốc được cho phép. Nếu không tuân thủ theo quy trình sản xuất thì đơn vị bao tiêu sẽ không thu mua sản phẩm. Trong quá trình trồng lúa, ông được cán bộ nông nghiệp xã cùng Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng hướng dẫn kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, đảm bảo sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

 

Ông Võ Văn Chính cho biết: Gia đình tôi trồng được 8 công lúa, trước đây thì làm riêng lẻ, không đạt hiệu quả. Từ khi có Nhà nước tuyên truyền chủ trương vào hợp tác xã, tôi tham gia cũng 3 năm rồi và thấy đạt hiệu quả, đầu ra ổn định. Từ đó, người dân ở đây cũng vận động nhau, cùng vào hợp tác xã để có nhiều quyền lợi. Giá lúa cao hơn, trồng lúa hữu cơ còn đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được phân thuốc. Hồi trước, trồng riêng lẻ thì mình mang bình đi xịt, bây giờ có hợp tác xã rồi thì có máy bay để phun xịt thuốc cho bà con nông dân nó tiện lợi.

 

Xã Hưng Mỹ là địa phương chuyên canh sản xuất lúa, việc phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất là điều kiện để nông dân mở rộng diện tích trồng lúa và tăng thu nhập. Hội Nông dân xã tập trung phối hợp chặt với các ban, ngành đoàn thể xã tuyên truyền, vận động sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi của việc trồng lúa hữu cơ. Bên cạnh đó, Hội vận động Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng ấp Bãi Vàng đầu tư giống lúa, phân bón hữu cơ, chuyển giao khoa học kỹ thuật,… giúp người dân mạnh dạn đầu tư, trồng lúa hữu cơ, hướng đến “nền nông nghiệp xanh, bền vững”.

 

Ông Phùng Thanh Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành nói: Mô hình đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, ít chịu biến động về giá cả thị trường, sản xuất luôn có lợi nhuận bằng cách bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường, sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP, liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người dân trong khâu chọn giống lúa, cung ứng phân thuốc sau thu hoạch mới thanh toán, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất phòng trừ sâu hại bằng máy bay phun thuốc không người lái,… Mô hình xây dựng theo xu hướng “nông nghiệp sạch” nên đảm bảo tính bền vững trong thời gian tới.

 

Ông La Quốc Yên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng chia sẻ: lúc đầu, có 70 hộ dân tham gia mô hình và thành lập 2 tổ trồng lúa hữu cơ. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ngành chuyên môn, đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ của HTX được nâng lên 131 ha, có 137 hộ dân tham gia, phát triển được 4 tổ sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, giống. Năm 2021, HTX có tổng doanh thu 10,3 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng. Năm 2022, lợi nhuận 700 triệu đồng. Từ những cách làm sáng tạo, đến nay, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX đã được nhân rộng ra các ấp và xã lân cận trong huyện.

 

Hiện nay, mô hình “trồng lúa hữu cơ” đang áp dụng công nghệ vào sản xuất như: phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái, sau thu hoạch áp dụng kỹ thuật cắt xếp dãy và thiết bị máy suốt lúa, hạn chế sử dụng sức người nhằm giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa hữu cơ.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành cho biết: Hướng tới, Ban Chỉ đạo thi đua Dân vận khéo của huyện sơ kết đánh giá các mô hình hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời, tiếp tục phát động, truyên truyền sâu rộng các mô hình dân vận khéo hiệu quả đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân, đặc biệt có mô hình dân vận khéo trong vận động hội viên tham gia tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ ở xã Hưng Mỹ. Qua đó, thấy được quyền và lợi ích của việc tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia mô hình kinh tế tập thể hướng đến sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Với cách làm sáng tạo, khéo léo và linh hoạt, mô hình trồng lúa hữu cơ xã Hưng Mỹ ngày càng được lan tỏa và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây cũng là mô hình “Dân vận khéo” điển hình góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Minh Thùy 
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image