Dân vận khéo - “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế phát triển
Lượt xem: 1452
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Càng Long tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, nâng chất các mô hình dân vận khéo gắn với phong trào thi đua yêu nước sát hợp thực tế ở từng địa phương. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp nhân dân; góp phần đảm bảo an sinh, giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.  

Ông Võ Minh Tân (áo xanh) chia sẻ về cách chăm sóc trùn quế

 Từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương trong huyện Càng Long đăng ký 559 mô hình “Dân vận khéo”; cụ thể: 150 mô hình tập thể và 409 mô hình cá nhân. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 79 mô hình, văn hóa – xã hội có 140 mô hình, an ninh - quốc phòng có 7 mô hình và xây dựng hệ thống chính trị có 333 mô hình. Qua khảo sát thực tế, nhiều mô hình điển hình trong phát triển kinh tế đã tạo sức lan tỏa và làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức lẫn hành động của cán bộ, hội viên cùng nhân dân.

 Minh chứng như mô hình “Dân vận khéo” trong vận động hội viên nuôi trùn quế kết hợp trồng rau củ của hội viên nông dân Võ Minh Tân, ngụ ấp số 3, xã Mỹ Cẩm. Ông Tân cho biết: qua tìm hiểu, ông biết mô hình nuôi trùn quế kết hợp với nuôi vịt xiêm và trồng gừng rất dễ thực hiện, mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi và đặc biệt là phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình ở nông thôn, giúp kinh tế phát triển. Gia đình bắt đầu nuôi trùn quế vào năm 2000. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi trùn và chưa có vốn nên vợ chồng ông Tân chỉ mua được 50kg trùn sinh khối với giá là 20.000 đồng/1kg. Sau đó ông đem về dựng trại, phía dưới trải bạt để trùn không đi ra ngoài được. Ông tận dụng nguồn thức ăn có sẵn cho trùn như: phân bò, phân gà, phân vịt… và nguyên vật liệu để làm chỗ nuôi như tre, lá sẵn có của gia đình. Qua thời gian chăm sóc, thấy trùn sinh sản rất nhanh - cứ mỗi tháng số lượng trùn tăng gấp đôi. Ông tiếp tục nhân giống rộng ra; từ 3m2 diện tích ban đầu thì đến nay, gia đình ông đã phát triển thành 200 m2.

Nói về cách cho trùn quế ăn: ông đem phân bò pha loãng vào nước rồi tưới lên luống trùn cho trùn ăn. Với cách cho ăn này, trùn ăn nhanh hơn. Đồng thời, làm giảm được lượng nước tiểu dính trong phân giúp trùn sinh sản tốt hơn.

Ông Võ Minh Tân nói: Hiệu quả mô hình nuôi trùn quế mang lại, sau 4 – 5 tháng là có thể lấy phân ra. Phân từ trùn quế có tác dụng kích thích tăng trưởng cây trồng, góp phần làm giảm mức độ sử dụng phân hóa học; thuốc trừ sâu, tăng khả năng chống sâu bệnh. Sinh khối trùn quế được ví như một nhà máy rác tự nhiên có khả năng tiêu thụ, phân giải rác hữu cơ và chất thải chăn nuôi lớn. Dịch trùn (nước tiết ra từ luống nuôi trùn) có thể tưới cho cây trồng. Việc sử dụng phân và dịch trùn giúp bổ sung vi sinh vật cho cây, cải tạo dinh dưỡng và độ mùn cho đất từ đó góp phần cải thiện năng suất cây trồng. Thấy vậy tôi tận dụng bao xi măng mà mọi người làm nhà bỏ đi đem về  vô phân trồng gừng. Phân ở đây chủ yếu là phân trùn trộn với đất tươi xốp và tro trấu. Tôi thấy trồng  gừng  bằng bao xi măng sẽ tiện hơn trồng ngoài đất bởi lẽ tận dụng hết mọi chỗ hẹp cũng như những nơi đất trũng thấp mình cũng có thể đặt bao gừng trồng được, ngập nước thì mình cũng có thể di dời chỗ khác được. Tôi trồng khoảng 1.500 bao – 2000 bao, mỗi bao thu hoạch khoảng 1,5kg. Tùy thời điểm, giá gừng dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/kg. Như vậy sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi thu được khoảng 50 triệu đồng (tính thời điểm hiện tại).

Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, thời gian gần đây, ông Tân còn nuôi thêm vịt xiêm đẻ, lấy trùn quế làm thức ăn cho vịt giúp vịt tăng chất đề kháng, ít bệnh, đẻ trứng to. Ông Võ Minh Tân cho biết: Từ việc nuôi trùn quế tôi còn nuôi thêm 20 con vịt xiêm đẻ. Ngoài việc cho vịt ăn thức ăn tấm cám tôi còn cho vịt ăn thêm trùn quế (mỗi con ăn khoảng 5-10 con mỗi ngày là được). Tôi thấy vịt ăn trùn quế sẽ tăng chất đề kháng, ít bệnh, trứng to và đẻ sai, hàng tháng tôi bán được khoảng gần 100 con vịt con cho những hộ xung quanh.

 Theo đánh giá của lãnh đạo xã Mỹ Cẩm: từ một hộ khó khăn của ấp số 3, nhờ vào việc nuôi trùn quế kết hợp nuôi vịt xiêm và trồng gừng hiệu quả, đến nay gia đình ông Tân đã vươn lên khấm khá hơn; xây dựng được căn nhà khang trang và nuôi 2 người con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại con gái lớn đã tốt nghiệp Đại học và con gái nhỏ đang học Đại học năm thứ nhất.

Ông Đồng Công Thăng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long cho biết: xã tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều năm qua và mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, Hội Nông dân xã đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Hộ ông Tân là một trong số đó, phát triển kinh tế và vận động để ông cùng Hội chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người tại địa phương và tỉnh ngoài để cùng nhau vượt khó, ổn định cuộc sống.

Qua khảo sát thực tế, mô hình nuôi trùn quế khá dễ thực hiện, đầu tư vốn thấp, một lần và có thể sử dụng lâu dài, phù hợp với nhiều hộ gia đình ở nông thôn; do sử dụng lượng phân bò tươi nên góp phần đáng kể trong việc làm sạch môi trường, giảm thải khí ô nhiễm và mùi hôi từ phân tươi. Ông Phạm Văn Ngài, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Càng Long nói: mô hình nuôi trùn quế là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, hội viên nông dân đã thoát nghèo bền vững và vươn lên khấm khá hơn. Đây cũng là 1 trong những mô hình dân vận khéo của cá nhân được huyện biểu dương, nhân rộng. Định hướng thời gian tới, Ban Dân vận huyện sẽ tiếp tục xây dựng, nâng chất nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, vận động các địa phương, đoàn thể phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên, nhất là tính khéo léo trong tuyên truyền, vận động, tính sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện mô hình; thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng đổi thay, phát triển.

Trong những tháng cuối năm 2022, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể huyện Càng Long tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” gắn với “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và việc xây dựng “Nông thôn mới – nông thôn mới nâng cao – nông thôn mới kiểu mẫu”. Tuyên truyền, vận động sâu rộng để các đơn vị, địa phương cùng nhân dân tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Qua đó, tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, cá nhân; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà ngày càng đổi thay, phát triển.

Minh Thùy

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image