Cầu Ngang – Hành trình 12 năm xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 884
Huyện Cầu Ngang nằm tiếp giáp Biển Đông, có Quốc lộ 53 đi qua là tuyến giao thông huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương, thu hút đầu tư, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Trung tâm hành chính huyện Cầu Ngang

Huyện Cầu Ngang có 13 xã, 2 thị trấn với tổng dân số là 122.238 người. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 37%. Trung tâm hành chính huyện đặt tại thị trấn Cầu Ngang, nằm cách trung tâm hành chính tỉnh Trà Vinh khoảng 23km theo Quốc lộ 53 về phía Tây Bắc. Cầu Ngang là nơi diễn ra các phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, là một trong hai địa phương thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện luôn quyết tâm xây dựng quê hương. Cùng với cả nước, năm 2010, huyện triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, có 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.

Năm 2010, khi bắt đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Cầu Ngang là địa phương có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, chiếm 27,5%. Huyện có 1 xã bãi ngang, 8 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát điểm các tiêu chí NTM ở các xã đều rất thấp, chỉ có 1/13 xã đạt trên 10 tiêu chí (là xã Mỹ Long Nam), có đến 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí, các nhóm tiêu chí về Quy hoạch, Hạ tầng kinh tế - xã hội, Kinh tế và tổ chức sản xuất có rất ít xã đạt.

Vượt lên mọi khó khăn, bằng sự nỗ lực quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, đặc biệt được sự đồng thuận của Nhân dân, trên cơ sở từ những văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Cầu Ngang ban hành nghị quyết và bắt tay vào xây dựng NTM.

Giai đoạn 2009-2011, Mỹ Long Nam là 1 trong 11 xã điểm của cả nước được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới. Đến năm 2014, xã Mỹ Long Nam thực hiện đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ kết quả này, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các xã theo kế hoạch của từng giai đoạn, đến nay, huyện Cầu Ngang đã có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 thị trấn được công nhận đô thị văn minh.

Sau 12 năm xây dựng NTM, huyện Cầu Ngang đã huy động tổng nguồn lực trên 1.881 tỷ đồng, trong đó, bao gồm vốn Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ ngân sách và vốn cộng đồng dân cư.

Để phát triển đồng bộ về kinh tế - xã hội, trước tiên huyện Cầu Ngang đã tập trung cho công tác quy hoạch. Cụ thể, đến nay có 13/13 xã có quy hoạch xây dựng NTM; UBND các xã tổ chức hội nghị triển khai quy hoạch và công bố quy hoạch rộng rãi để Nhân dân biết và thực hiện. Đây là tiền đề quan trọng để quản lý, định hướng phát triển, kết nối đồng bộ, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyến đường giao thông Mỹ Long Bắc

Điểm nổi bật dễ dàng nhận ra ở huyện Cầu Ngang hiện nay so với trước khi chưa triển khai xây dựng NTM, đó là sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Cầu Ngang đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay huyện đã đầu tư xây dựng mới gần 693km đường giao thông; nâng cấp, sửa chữa 191 cây cầu giao thông cơ bản đồng bộ về tải trọng so với các tuyến đường giao thông nông thôn.

Cầu Ngang là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, với 26.673ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do đó, thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo phát triển sản xuất cho người dân. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất của huyện chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thiếu nước cục bộ vào mùa khô.. Vì vậy, UBND huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kênh, mương, cống, bọng,... Đến nay hệ thống thủy lợi của huyện đã cơ bản được nạo vét đồng bộ, tạo thành một hệ thống thủy lợi liên xã, đáp ứng được nhu cầu nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 90% trở lên; riêng đối với vùng sản xuất tập trung đạt 100%. 13/13 xã có Quyết định kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

Cuối năm 2010, toàn huyện chỉ có 5 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 8,47%. Giai đoạn 2011 - 2022, huyện tập trung huy động các nguồn lực trên 201 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường lớp và mua sắm trang thiết bị, phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Từ đó, diện mạo trường lớp có nhiều khởi sắc, hiện nay trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu. Trong đó có 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu đào tạo cho con em đồng bào dân tộc Khmer.

Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia Hiệp Mỹ Tây

Nông thôn mới là một cuộc cách mạng toàn diện về nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Xác định được điều này, ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cầu Ngang đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức sản xuất, nòng cốt là kinh tế tập thể của huyện đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như vào cuối năm 2010, toàn huyện chỉ có 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực thuần sản xuất nông nghiệp, thì đến nay, toàn huyện có 24 HTX nông nghiệp, hoạt động gắn với thương mại, dịch vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm, với tổng số 1.270 thành viên, vốn điều lệ gần 17 tỷ đồng. Ngoài ra, các xã thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống được quan tâm phát huy như: Làng nghề Bánh tét Trà Cuôn (xã Kim Hòa); Làng nghề khai thác, đánh bắt và sơ chế thủy sản (thị trấn Mỹ Long),... Hằng năm, làng nghề giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Cánh đồng tôm Hiệp Mỹ Đông

Huyện Cầu Ngang thuộc vùng đồng bằng ven biển và giáp với sông Cổ Chiên. Đây là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, 15km đường bờ biển thuộc khu vực các xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long cũng là lợi thế của huyện trong việc phát triển ngành khai thác và đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Phát huy vị trí địa lý là huyện giáp biển, với hệ sinh thái nước mặn - lợ, đây là môi trường lý tưởng để nuôi trồng thủy sản quanh năm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh vào sản xuất. Hiện nay, nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao được coi là mô hình kinh tế sáng giá giúp nhiều hộ dân làm giàu ngay trên những mảnh đất hoang hóa, bạc màu. Hiện nay, huyện đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở các xã Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn với tổng diện tích 4.280ha. Sản lượng hằng năm ước đạt trên 30 ngàn tấn. Tại các vùng nuôi thủy sản cho lợi nhuận trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp từ 20 lần trở lên so với trồng lúa.

Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Cầu Ngang từ một vùng quê còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi có Chương trình MTQG xây dựng NTM phủ sóng, sức sống mới đã đến trên từng con đường, làng quê. Xây dựng thành công huyện NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Bằng chứng là những căn nhà tạm bợ, dột nát chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những căn nhà mới khang trang, vững chãi mọc lên ngày càng nhiều. Đến nay, 13/13 xã có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, đạt tỷ lệ 91,93%. Đến cuối năm 2021 theo kết quả tổng điều tra, rà soát theo Nghị định 07 của Chính phủ, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2.328/37.507 hộ, chiếm tỷ lệ 6,21% (giảm 21,29% so với cuối năm 2010). Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm dưới 4%. Lực lượng lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 79,81%; lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 36,92%.

Cũng từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, chất lượng giáo dục trên địa bàn 13 xã từng bước được củng cố và nâng lên. Hiện nay, 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến nay, 13/13 xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng tốt. Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị theo quy định, các xã được đầu tư xây dựng trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91%.

Hằng năm, trên địa bàn huyện Cầu Ngang còn diễn ra lễ hội Cúng biển (Nghinh Ông) Mỹ Long. Đây là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng biển Mỹ Long trong suốt hơn 1 thế kỷ qua. Đặc biệt, năm 2013, lễ hội Cúng biển Mỹ Long được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là dịp để địa phương quảng bá các tiềm năng phát triển du lịch Cầu Ngang đến với du khách.

Bên cạnh đó, công tác môi trường và an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm. Đến nay, trên địa bàn các xã có 11 trạm cấp nước/nhà máy nước tập trung, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, đạt 62,49%. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom, xử lý, đạt tỷ lệ 90,05%. Hiện tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định chiếm trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn vùng nông thôn (18.637 hộ/32.679 hộ).  Tại một số cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã được bố trí các hố đổ bằng bê tông chứa vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật và được thu gom xử lý an toàn.

Nhìn lại chặng đường 12 năm nỗ lực, vượt khó xây dựng NTM của huyện Cầu Ngang, những công trình mới, cách nghĩ, cách làm mới đã làm nên những vùng quê trù phú. Người dân vui mừng, phấn khởi trước thành quả xây dựng NTM của địa phương. Đây chính là thước đo chất lượng các xã NTM trên địa bàn huyện.

Có dịp trở về thăm lại Mỹ Long Nam, đây cũng là xã NTM đầu tiên của tỉnh, chúng ta mới cảm nhận rõ sức sống NTM đã trở thành cuộc cách mạng toàn diện về nông nghiệp – nông thôn – nông dân. 8 năm đã trôi qua kể từ ngày được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hôm nay, công cuộc xây dựng NTM của địa phương tiếp tục gặt hái thêm “quả ngọt” khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020. Đi trên những con đường hoa rực rỡ sắc màu nông thôn mới, hai bên đường nhà cửa khang trang cho thấy một cuộc sống mới đang bừng sáng trên quê hương Mỹ Long Nam.

Trong suốt hành trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn luôn khát vọng xây dựng quê hương khởi sắc toàn diện, để cuộc sống của mọi người, mọi nhà thật sự ấm no, hạnh phúc. Kết quả này phản ánh rõ nét sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chủ thể của người dân được chú trọng, phát huy, là sự kết tinh, hoà hợp từ “ý Đảng, lòng dân”. Chính vì thế, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM huyện Cầu Ngang đạt trên 99%.

Kết quả đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Cầu Ngang đã phản ánh chân thực, sinh động, sức mạnh tổng thể của “ý Đảng, lòng dân”. Đây là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cầu Ngang trong hành trình xây dựng những làng quê nông thôn mới ngày càng tươi đẹp hơn.

 Minh Tú 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image