Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Lượt xem: 4372
Sáng ngày 18/7, ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025 chủ trì Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Đến dự Hội nghị có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị

Về xây dựng NTM, hầu hết các ngành, đơn vị, địa phương có quan tâm xây dựng kế hoạch hỗ trợ, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, nhất là đẩy mạnh hỗ trợ đối với các xã có tiêu chí đạt còn thấp; đến nay, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 96,47%; 01 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, chiếm 1,17%; 2 xã đạt 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 2,35%. Bình quân tiêu chí đạt 18,86 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 06/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo kế hoạch năm 2022, có 02 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM là huyện Cầu Ngang và Duyên Hải. Qua rà soát, đánh giá, kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM đến nay của 2 huyện như sau: đối với huyện Cầu Ngang có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/9 tiêu chí huyện NTM; đối với huyện Duyên Hải có 06/06 xã đạt chuẩn NTM, đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM.

Trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh  có 1.866,5 ha đất trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản, cụ thể: chuyển sang trồng cây hàng năm 390,49 ha; chuyển sang cây lâu năm 1.450 ha; kết hợp nuôi thủy sản 13,2 ha, chuyên nuôi thủy sản 12,8 ha; cải tạo vườn tạp 69,68 ha; huyện Châu Thành và Trà Cú cải tạo giồng tạp 6,7 ha. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh có 80 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 67 sản phẩm đạt 03 sao, 13 sản phẩm đạt 04 sao. Trong 80 sản phẩm được công nhận OCOP có 05 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. Trong 6 tháng đầu năm đã hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị chấm điểm công nhận thêm 29 sản phẩm.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động, lồng ghép triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với tổng nguồn vốn là 278 tỷ đồng, riêng năm 2022 nguồn vốn huy động là 31 tỷ đồng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, quản lý, điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ trì phối hợp các Sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức thực hiện; theo dõi, hướng dẫn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình: dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình; tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững,…

Các đại biểu tham dự hội nghị

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng rãi của quần chúng. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh đã kiện toàn và triển khai thực hiện xây dựng văn hóa, xây dựng ấp, khóm văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công nhận 256.125/277.915 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,15%. Phong trào xây dựng ấp, khóm văn hóa đã tạo nên một diện mạo mới ở cơ sở, nông thôn, góp phần đem lại sự chuyển biến nhận thức sâu sắc về văn hóa trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra công nhận mới 6 ấp, khóm văn hóa; công nhận 745/756 ấp, khóm văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,54%. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh, phong trào rèn luyện sức khỏe thu hút đông đảo nhân dân tham gia, thể hiện qua sự tăng trưởng số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên qua từng  năm, có 385.000  người  tham  gia  luyện  tập  thể dục, thể thao thường xuyên, đạt 35%; số hộ gia đình thể thao 60.317, đạt 23%. Qua bình xét, tỉnh có 1.139/1.219 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,43%; 17/21 phường, thị trấn đạt chuẩn “phường, thị trấn đô thị văn minh”, đạt tỷ lệ 80,95%.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng BCĐ tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, các Sở, Ban, ngành tỉnh và các BCĐ các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đóng góp trí tuệ, công sức cho nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành và địa phương cần nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện chương trình Nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2022, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để thấy được những ưu điểm, khuyết điểm ở từng lĩnh vực. Qua đó, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá các tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và nâng chất các tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, xác định tiêu chí nào cần thực hiện trước, tập trung chỉ đạo hoàn thành, nhất là  đối với 03 đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2022 và 9 tiêu chí huyện NTM của huyện Cầu Ngang và Duyên Hải; quyết tâm thực hiện 02 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhiều hơn nữa. Chú ý công tác tuyên truyền phải gắn với các mô hình, điển hình thực tế. Ban Chỉ đạo các địa phương, cần tập trung chỉ đạo các tiêu chí lên quan đến nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, môi trường, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, vận động các hộ nông dân tham gia xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới; liên kết theo chuỗi giá trị đầu ra cho sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP.

T.P