Tình hình thực hiện công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, các sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý
Lượt xem: 4298
Chiều ngày 19/4, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), các sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và hoạt động thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2021, toàn tỉnh hiện có 01 liên hiệp HTX, 173 HTX đang hoạt động, thu hút 29.139 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 171,606 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 80 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP (05 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 09 sản  phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm đạt 3 sao) thuộc 08 HTX, 09 công ty, 02 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh. Phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đến nay đã được cấp giấy chứng nhận 652 nhãn hiệu, trong đó 42 nhãn hiệu tập thể, 28 Kiểu dáng công nghiệp, 11 sáng chế/giải pháp hữu ích. Hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đã kích hoạt và in xuất trên 1 triệu tem QR cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Có 8 cơ sở/doanh nghiệp/HTX tham gia giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com. Tạo liên kết với 14 wibsite của các HTX và doanh  nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ 18 doanh nghiệp, HTX… đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Các đại biểu nghe lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ
thông qua báo cáo tại cuộc họp

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh sẽ thành lập mới 10 HTX, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý, điều hành HTX, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ về làm việc cho các HTX, xây dựng kế hoạch đào tạo năng lực nâng cao năng lực cho các đối tượng. Hỗ trợ đăng ký sản phẩm đối với 144 sản phẩm (gồm 121 sản phẩm đăng ký mới và 23 sản phẩm nâng sao; trong đó có 26 sản phẩm của 20 HTX). Song song, đẩy mạnh hoạt động phát triển tài sản trí tuệ theo hướng gắn kết chặt chẽ với truy xuất nguồn gốc (mã QR Code) để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tối thiểu có 70% sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện chỉ đạo Trường Đại học Trà Vinh phụ trách xây dựng câu chuyện OCOP; tư vấn, hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục về quy trình OCOP đảm bảo tính nhanh, gọn. Tổ tư vấn xây dựng sổ tay, thực hiện công tác tập huấn cho các địa phương.

T.P