Nguyễn Đáng (1925-1984)
Lượt xem: 12941
 
Năm 1944 được ông Năm Tý, một Đảng viên cộng sản xã tuyên truyền giác ngộ, Nguyễn Đáng thấy được sự áp bức, bóc lột của địa chủ đối với nông dân và trách nhiệm của những thanh niên như ông phải đứng lên đánh đổ sự áp bức, bất công đó. Qua sự giác ngộ, Nguyễn Đáng bắt đầu đến với cách mạng. Ông thôi ở đợ cho gia đình địa chủ Lâm Quang So mà chuyển nghề đánh xe thuê. Hàng ngày từ sáng đến tối mịt, Nguyễn Đáng đánh xe từ Huyền Hội khi thì đi Bãi Sang, khi đến Tiểu Cần, Cầu Kè, Mai Phốp…Vừa đi đánh xe, ông vừa làm liên lạc và nắm tình hình địch để báo cáo lại cho cơ sở. Một thời gian, cha ông biết được ông tham gia cách mạng, có phần lo lắng, sợ con nguy hiểm nhưng không nói ra và âm thầm làm giúp những công việc cho Nguyễn Đáng. Còn ông, ban ngày giúp việc cha mẹ không được, ban đêm ông cố làm thêm để phụ giúp gia đình.

    Năm 1945, phong trào cách mạng ở quê ông phát triển mạnh, Nguyễn Đáng gia nhập Đội Thanh niên Tiền phong. Ông cũng như bao bạn bè trong tổ chức, tích cực luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ tham gia cướp chính quyền về tay nhân dân. Ngày 25/8/1945, ông tham gia trong lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng với nhân dân Huyền Hội nổi dậy giành chính quyền. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, ông được giao nhiệm vụ phụ trách đội Thanh niên cứu quốc xã Huyền Hội. Ông làm nòng cốt trong việc vận động thanh niên tham gia lực lượng vũ trang và xã Huyền Hội xây dựng được một trung đội du kích, có khả năng đánh địch. Thực dân Pháp gây chiến tranh trở lại, xã Huyền Hội cũng như nhiều địa phương khác ở Càng Long bị tái chiếm, Nguyễn Đáng đã lãnh đạo lực lượng vũ trang xã diệt trừ tề gian, chống lại cuộc càn quét lấn chiếm của địch, bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám. Năm 1947, đồng chí Nguyễn Đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương( nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), rồi được giao nhiệm vụ Xã đội trưởng, Trưởng công an xã Huyền Hội.

    Năm 1951, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào Huyền Hội với ý đồ chiếm bằng được xã này. Ông đã cùng với lực lượng dân quân du kích đánh trả quyết liệt. Không may trong trận đánh, đồng chí Nguyễn Đáng sa vào tay giặc. Bị địch tra khảo, đánh đập tàn nhẫn, đồng chí Nguyễn Đáng vẫn giữ khí tiết cách mạng. Không khai thác được gì, chúng đem ông xuống giam tại Trà Vinh. Vào tù ông tiếp tục hoạt động trong Chi bộ nhà tù, tìm mọi sơ hở của chúng để đấu tranh chống lại. Sau 8 tháng ở nhà tù, nhân một cuộc nổi dậy phá khám, ông cùng nhiều tù nhân đã trốn thoát.

    Trở về Huyền Hội, ông tiếp tục hoạt động bám dân, bám đất, diệt trừ tề gian, củng cố lại phong trào. Tháng 5/1954, đồng chí Nguyễn Đáng được cử làm Bí thư xã Huyền Hội. Năm 1956, ông là Huyện ủy viên Huyện uỷ Càng Long và từ năm 1959 đồng chí Nguyễn Đáng là Bí thư Huyện ủy Càng Long. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Mỹ- Diệm ban hành “luật Phát xít 10/59”, tiến hành “ tố cộng, diệt cộng ’’, lê máy chém đi khắp nơi. Trên cương vị Bí thư Huyện ủy, ông đã thành lập và phát triển lực lượng võ trang địa phương quân của huyện Càng Long, đẩy mạnh phong trào 3 mũi giáp công, quyết bám đất, bám dân. Phong trào cách mạng ở Càng Long được củng cố và phát triển, đến phong trào Đồng Khởi 1960 khắp nơi trong huyện thành lập lực lượng vũ trang sớm, tạo thế và lực cho địa phương quân của  tỉnh và cũng là huyện dẫn đầu của tỉnh Trà Vinh về xây dựng phong trào nhân dân du kích, giữ vững thực lực cách mạng.

    Tháng 3 năm 1961, đồng chí Nguyễn Đáng được bổ sung Tỉnh uỷ viên kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Năm 1965, ông được đề bạt giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh thay ông Phạm Văn  Kiết (Năm Vận) lên Khu ủy nhận nhiệm vụ mới. Thời gian này, Mỹ ngụy tăng cường đánh phá ác liệt. Đứng trước tình hình đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Đáng ra sức hoạt động quyết bám dân, bám đất, lãnh đạo quân dân Trà Vinh đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang, kiên quyết chống lại những cuộc càn quét, lấn chiếm của địch. Ông đặc biệt coi trọng công tác Khmer vận, lấy tình đồng chí, đồng đội để thắt chặt mối đoàn kết quân-dân, đoàn kết Kinh-Khmer đứng lên đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang của quân dân Trà Vinh liên tiếp nổ ra. Có những cuộc đấu tranh chính trị huy động trên 30.000 người kéo vào tỉnh lỵ, huyện lỵ, trong tỉnh đòi Mỹ ngụy bồi thường nhân mạng cho đồng bào, đòi chúng không được bắn phá bừa bãi vào nhân dân; đấu tranh đòi rời bỏ ấp chiến lược trở về quê cũ làm ăn. Phong trào binh vận được đẩy mạnh trong lòng địch, nhiều cuộc binh biến, phản chiến, đào ngũ trong lực lượng ngụy quân xảy ra thường xuyên. Với ba mũi giáp công, quân dân Trà Vinh đã làm chủ được nhiều vùng rộng lớn; giải phóng được 2/3 đất đai trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Long Toàn (nay là huyện Duyên Hải). Quận đầu tiên của khu Tây Nam Bộ được giải phóng. Với những thành tích đó, năm 1964, quân dân Trà Vinh được Trung ương tặng thưởng huân chương Quân công hạng 2, là tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền Tây và là 1 trong 3 tỉnh nổi bật nhất trên chiến trường B.2.

    Xuân Mậu Thân 1968, sau khi lực lượng ta tấn công vào thị xã Trà Vinh không dứt điểm được, cùng với Tỉnh uỷ Trà Vinh đồng chí Nguyễn Đáng nhanh chóng chỉ đạo cho lực lượng vũ trang rút ngay khỏi thị xã, chỉ để lại một bộ phận lực lượng của tỉnh bám vùng ven, cùng với lực lượng thị xã Trà Vinh vây ép, kiềm chân địch tại chỗ, đưa phần lớn lực lượng của tỉnh giúp các huyện tranh thủ thời cơ có lợi để mở rộng vùng giải phóng. Sự chuyển hướng chỉ đạo đó đã đạt được kết quả tốt, địch bị kiềm chân ở thị xã, các huyện lỵ. Phong trào giải phóng vùng nông thôn phát triển mạnh, 3/4 dân số trong tình được gải phóng. Trung ương  tặng huân chương Thành đồng hạng I và lá cờ với tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” cho quân dân Trà Vinh.

    Cuối năm 1968, ông là Khu uỷ Khu Tây Nam bộ và vẫn giữ trọng trách Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh đến năm 1971. Từ năm 1974 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được Khu uỷ rút lên Khu, giữ chức vụ Trưởng Ban Binh vận, Trưởng Phân ban hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Phó Tư lệnh mặt trận miền Tây, chỉ đạo chiến trường trọng điểm Cần Thơ. Ông là người góp phần chỉ đạo giải phóng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là người đề xuất và tình nguyện đem lực lượng lên Long Xuyên trước khi ta chiếm lĩnh thành phố Cần Thơ. Đề xuất của ông được Khu ủy đồng ý, Khu ủy đã bố trí một trung đoàn chủ lực lên tiếp quản vùng Long Xuyên nguyên vẹn. Tiếp quản Long Xuyên, ông được Khu uỷ chỉ định ở lại làm Bí thư Tỉnh uỷ Long Châu Hà. Tháng 2/1976, tỉnh Long Châu Hà được đổi tên tỉnh An Giang, đồng chí Nguyễn Đáng là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, sau đó theo sự phân công của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, ông về công tác tại tỉnh Cửu Long. Tại Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ I (vòng 2) từ 28/3 đến 8/4/1977, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Cửu Long. Ông là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IV và uỷ viên Ban chấp hành Trương Đảng khoá V. Liên tục trong 3 nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ Cửu Long, đồng chí Nguyễn Đáng đều được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

    Đồng chí Nguyễn Đáng là một người nhân hậu, không quan cách, tác phong giản dị, dễ gần gũi với quần chúng. Đức tính lo cho người khác trước khi lo cho mình như bản chất có sẵn trong ông.

    Trong lãnh chỉ đạo phong trào, ông đi sâu sát đến từng cơ sở. Ông ít ngồi văn phòng mà những nơi ông  thường có mặt là các huyện, xã đến kiểm tra, đôn đốc giải quyết những vấn đề cấp thiết tại chỗ. Đi công tác ông thường mang theo máy bộ đàm để khi gặp vấn đề cần phải giải quyết ngay, ông mời Huyện uỷ, Uỷ ban Nhân dân huyện cùng đến giải quyết kịp thời. Ông biết lắng nghe sự  góp ý chân tình của anh em, không tự ái mỗi khi có người khác góp ý, phê bình Tỉnh uỷ và bản thân mình.
    Ở tỉnh Cửu Long, đồng chí Nguyễn Đáng là trung tâm của khối đoàn kết nội bộ, rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào. Đối với cấp trên, ông tôn trọng nhưng cũng rất trung thực, thật thà nói những điều chưa trông hoặc thấy cần trao đổi về các ý kiến chỉ đạo. Đối với cấp dưới, ông luôn coi mọi người là bạn bè. Trong Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, Nguyễn Đáng là hạt nhân đoàn kết, có sức thuyết phục và cảm hóa mọi người. Năm 1981, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẫn về thăm Đảng bộ và nhân dân Cửu Long đã biểu dương tỉnh có 4 cái được: “Được mùa, được lúa, được quân, được lòng dân phấn khởi”. Những cái được đó của Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà không tách rời sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Cửu Long do ông đồng chí Nguyễn Đáng lãnh đạo.

    Đồng chí Nguyễn Đáng cũng là người rất quý trọng các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ. Ông không phân biệt các nhà khoa học được đào tạo trong chế độ cũ hay mới, miễn là người đó giỏi chuyên môn, tận tụy với công việc. Ông thường nói: “ Tôi chỉ tính điểm giỏi hay dở, tốt hay xấu ngay bây giờ”. Ông chỉ vào đầu mình và nói : “ cũ hay mới là ở cái này”.

    Tác phong làm việc quên mình không kể giờ giấc, khi ngã bệnh vào những ngày đầu tháng 3/1984, ông còn đề nghị Thường trực Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp bàn giải quyết cấp bách vấn đề lương thực. Rồi  để chỉ đạo việc thực hiện tốt huy động lương thực, ông đã liên tục đi  kiểm tra các huyện. Bệnh đang phát triển mà ông vẫn không một ngày nghỉ ngơi. Ông đi Bình Minh, Tam Bình, Càng Long, Vũng Liêm rồi Cầu Kè bệnh bộc phát, chuyến đi Trà Ôn dự định đành bỏ lỡ. Ông được đưa lên bệnh viên Thống Nhất( thành phố Hồ Chí Minh) rồi chuyển ra bệnh viện Việt-Xô (Hà Nội). Một tháng chống chọi với bệnh tật là một tháng ông luôn nghĩ về những công việc đang tiến hành dở dang, các kế hoạch chưa thực hiện của tỉnh. Nằm trên giường bệnh mỗi khi tỉnh dậy, ông đều hỏi tình hình ở tỉnh những công việc ở tình nay đã làm đến đâu? Biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, ông dặn vợ “ Tôi mất rồi, mình trả ngôi nhà cho Đảng, về sống với an em đồng chí. Anh em ăn chén cơm đầy, thì mình ăn chén cơm lưng, mình nhớ”.

Nhà văn và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét: “Một con người đẹp như thế đó vĩnh biệt chúng ta. Anh yêu cuộc sống và anh phấn đấu ngoan cường để giành từng giây với cái chết, ngay vào thời điểm hoàn toàn tuyệt vọng.

      Ông lưu luyến với bao nhiêu công việc còn dở dang. Nhưng bạn bè của ông nghĩ rằng ông không vắng mặt trong đội ngũ, ít nhất ông cũng để lại một cái gì không thể phai mờ, bằng chính cách sống của ông” (1).

    Đồng chí Nguyễn Đáng đã vĩnh biệt Đảng bộ và nhân  Cửu Long vào lúc 1 giờ 2 phút ngày 8 tháng 4 năm 1984 sau một tháng đấu tranh với cái chết trên giường bệnh. Ngày đưa tang ông, bạn bè, đồng chí, nhân dân Cửu Long xếp hàng, lặng lẽ sụt sùi tiễn đưa người con gương mẫu của nhân dân Vĩnh-Trà về nơi yên nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Cửu Long. Công lao của Nguyễn Đáng rất xứng đáng với những tặng thưởng cao quý.
4 người đã bình chọn